Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 10 năm 2015 | 8:19

Lúa chết do nước thải của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà?

Hàng chục hộ dân ở thôn 9, xã Minh Phú (Đoan Hùng - Phú Thọ) đứng trước nguy cơ thiếu đói do lúa chết hàng loạt. Nguyên nhân bà con cho rằng, là do nước thải  từ Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà (Công ty Phú Hà) đóng tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Thọ lại kết luận, lúa chết không phải do chất thải?!

Ông Kiện bức xúc chỉ về phía diện tích lúa bị chết được cho là do Công ty TNHH Môi trường Phú Hà xả thải.

Theo ông Hoàng Văn Kiện, Trưởng thôn 9, bao đời nay người dân trong thôn cấy lúa không bao giờ chết, thế mà đầu tháng 7/2015, 24/104 hộ trong thôn có lúa bị chết với diện tích hơn 3,4ha. Nguyên nhân được bà con cho là do nguồn xả thải của Công ty Phú Hà.

“Thấy lúa chết, tôi báo cáo lên xã, ngày 3/7, UBND xã thành lập đoàn xuống kiểm tra. Ngày 14/7, Phòng TN&MT huyện cũng thành lập đoàn về kiểm tra. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau, Sở TN&MT Phú Thọ mới về lấy mẫu đi phân tích. Có hộ mất 5-6 sào, nhiều hộ mất trắng, không biết rồi đây chúng tôi lấy gì để sống”, ông Kiện ngậm ngùi nói.

Bà Vũ Thị Nội ở thôn 9 bức xúc: “Gia đình tôi mất trắng 5 sào lúa, nguyên nhân là do nước thải của Công ty Phú Hà, yêu cầu công ty đền bù cho chúng tôi”. Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Chúng tôi chỉ trông vào mấy sào lúa, giờ ruộng bị bỏ hoang rồi cuộc sống sẽ ra sao”. 

Được biết, tình trạng lúa chết hàng loạt cũng diễn ra tại thôn 10, xã  Minh Phú từ nhiều năm nay. Có hộ bỏ hoang cả mẫu ruộng chỉ vì ô nhiễm nhưng vẫn không được hỗ trợ, đền bù gì.

Phản ánh của người dân là thế, nhưng Báo cáo số 1162/TNMT - CCMT ngày 1/9/2015 của Sở TN&MT Phú Thọ lại khẳng định, việc UBND huyện Đoan Hùng phản ánh Công ty TNHH Môi trường Phú Hà có các cửa xả chất thải sang khu vực Đầm Giao, Đồng Thịnh của thôn 9, xã Minh Phú là không chính xác và chưa có cơ sở khẳng định lúa chết là do hoạt động xả nước thải của công ty?!

Kết quả quan trắc phân tích môi trường do Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường Phú Thọ thực hiện tại Công ty TNHH Môi trường Phú Hà cho thấy, mẫu nước mặt tại ruộng lúa chết so sánh với QCVN 08 :2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt đều vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, thông số BOD5 là 87mg/l, vượt 5,8 lần; COD là 264mg/l, vượt 8,8 lần; thông số TSS là 275mg/l, vượt 5,5 lần; NH4 - N là 2,531 mg/l, vượt 5,1 lần; thông số DO là 0,79mg/l, chưa đạt giới hạn cho phép.

Câu hỏi đặt ra là, người dân phản ánh gần 1 tháng, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ mới xuống lấy mẫu đi phân tích, liệu kết quả có đúng thực trạng bà con phản ánh? Hay Sở chỉ xuống lấy mẫu phân tích cho có lệ?! Thiết nghĩ, UBND tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cần vào cuộc lấy mẫu phân tích khách quan, đảm bảo  quyền lợi chính đáng cho người dân.

Đình Hoàng 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top