Từ đầu tháng 4/2010, nhiều địa phương thực hiện cắt điện luân phiên theo chỉ đạo tiết kiệm điện của Chính phủ. ở nhiều vùng nông thôn, do bị cắt điện triền miên nên mọi sinh hoạt và sản xuất đang bị đảo lộn...“Ngủ ngày, cày đêm”
Theo thông tin của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do khô hạn kéo dài nên các nhà máy thủy điện phải hoạt động dưới công suất. Hiện thủy điện chỉ cung cấp cho hệ thống khoảng 50 triệu kWh/ngày, trong khi toàn hệ thống cần tới 280 triệu kWh/ngày. Dự báo 3 tháng tới, tổng mức thiếu hụt điện năng của Việt Nam sẽ vào khoảng 600 triệu kWh. Tính đến đầu tháng Tư, mực nước ở hầu hết hồ thuỷ điện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2009: Hoà Bình thấp hơn 1,28m, Thác Bà 3,93m, Tuyên Quang 12,98m, Hàm Thuận 3,94m, Đại Ninh 7,86m...
Ở xã Yên Bắc (Duy Tiên - Hà Nam), gần nửa tháng nay người dân phải sống trong cảnh “ngủ ngày, cày đêm” chỉ vì mất điện. Lịch cắt điện ở đây không cố định nên người dân chỉ biết mất điện ban ngày thì ban đêm sẽ có và ngược lại.
Dưới cái nắng oi ả, căn nhà tuềnh toàng lợp mái tôn của gia đình ông Trần Văn Hùng ở đội 2, thôn Bùi Xá (Yên Bắc) nóng như lò lửa. Đưa cho khách cái quạt mo, ông Hùng gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi nói: “Hơn nửa tháng nay, ban ngày có điện thì tối mất, nhưng thường mất vào giờ cao điểm. Mọi việc từ sinh hoạt đến sản xuất điều bị đảo lộn”.
Vừa múc nước giếng rửa chuồng lợn, bà Trần Thị Thanh ở đội 1 (thôn Bùi Xá) vừa bức xúc: “Thường ngày có máy bơm, xối vèo một lúc là xong nhưng giờ phải múc từng gầu nước. Đặc biệt, nguồn nước sinh hoạt người dân vẫn phải bơm từ giếng khoan nên điện mất nước cũng mất theo. Vì thế, ở đây đang xảy ra tình trạng, nửa đêm có điện cả làng gọi nhau dậy bơm nước”.
Trụ sở UBND xã Hoàng Đông (Duy Tiên - Hà Nam) bao trùm không khí ngột ngạt vì mùi vôi vữa tường nhà mới xây cộng với tình trạng mất điện nên không quạt, không nước... Ông Phạm Văn Sìu, Chủ tịch UBND xã ái ngại: “Mất điện, mọi hoạt động của UBND xã bị gián đoạn. Chỉ khi nào có điện người dân mới tìm đến UBND xã để xin thủ tục, giấy tờ”. Hỏi về lịch cắt điện của địa phương, ông chủ tịch cũng không nắm được.
Sản xuất đình trệ
Hiện điện năng trên địa bàn xã Hoàng Đông đang dồn toàn bộ cho 24 công ty, doanh nghiệp (đóng trong Khu công nghiệp Tân Tạo) hoạt động và sản xuất. Bên cạnh đó, Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Hoàng Đông với 18 hộ gia đình cũng đang lao đao vì điện ngày có, ngày không. Một chủ cơ sở sản xuất mây tre đan bất bình: “Trong khi Khu công nghiệp Tân Tạo vẫn được cấp điện bình thường thì làng nghề lúc có, lúc không. Việc cắt điện này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của chúng tôi”.
Ngược đường về Hà Nội, khu buôn bán, giao thương sầm uất ở xã Văn Tự (Thường Tín) giờ đìu hiu lạ thường. Với hơn 2km chiều dài bám Quốc lộ 1A (cũ), người dân ven đường làm ăn phất lên bởi nghề mộc và cơ khí. Tuy nhiên, vài ngày qua, trên toàn địa bàn xã xảy ra tình trạng mất điện nên mọi hoạt động ở đây dường như bị đình trệ.
Anh Lê Tiến Bằng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng ở xã Văn Tự phân trần: “Hầu hết các khâu sản xuất của chúng tôi đều phụ thuộc vào điện. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất”.
Theo EVN, năm nay, việc cắt luân phiên sẽ được giao về cho các địa phương tự quyết. Tại mỗi tỉnh, thành phố, danh sách phụ tải ưu tiên sẽ do UBND các tỉnh, thành phố quyết định và các đơn vị điện lực sẽ căn cứ danh sách để ưu tiên khi cắt điện luân phiên. Ngành điện phải ưu tiên phân bổ sản lượng điện năng cho công nghiệp và sản xuất. Vì thế khu vực sinh hoạt và nông thôn buộc phải cắt điện trước.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện đang phụ thuộc rất lớn vào điện, hơn nữa khu vực này có mức tiêu thụ điện năng thấp nên việc cắt điện triền miên và kéo dài là bất bình đẳng. Phải chăng, nên rút ngắn và giảm mật độ thời gian cắt điện ở nông thôn, đồng thời kêu gọi các nhà máy, xí nghiệp tích cực tiết giảm điện năng ở những khâu, bộ phận không cần thiết. Nếu gánh nặng thiếu điện được ngành điện san sẻ bớt cho các doanh nghiệp thì sinh hoạt của người dân không bị đảo lộn như hiện nay.
- Hiện nay, 5 tổng công ty điện lực trên cả nước đang phải thực hiện tiết giảm điện. Trong đó, miền Bắc phải chịu tiết giảm nhiều nhất, từ 10-12%, tương ứng 7-8 triệu kWh/ngày. - Khác với năm trước, không chỉ khối hành chính sự nghiệp cần giảm 10% nhu cầu, năm nay, ngành điện đang vận động khối doanh nghiệp tự tiết giảm 5-10% nhu cầu. Đặc biệt, với các doanh nghiệp, nhà máy có máy tự phát điện chạy dầu diesel sẽ phải tự đảm bảo cấp điện trong giờ cao điểm hoặc vào thời điểm thiếu điện khi có yêu cầu. |
Duy Phong
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.