KTNT - Liên quan tới vụ việc Phó chủ tịch UBND xã và Công an xã Đội Bình bắt giữ người dân mà không có lệnh bắt giữ, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, cho rằng, sự việc đã vi phạm pháp luật hình sự.
>> Đề nghị Công an huyện vào cuộc vụ Phó chủ tịch xã bắt người trái pháp luật!Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài đăng tải việc anh Trần Văn Báu trú tại thôn Cầu Cháy - Vĩnh Lợi - Sơn Dương - Tuyên Quang tố cáo ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch xã Đội Bình, ông Hoàng Văn Tiến là Phó công an xã, ông Hoàng Văn Quỳnh là Trưởng công an xã vô cớ khống chế bắt giữ khi anh Báu xem người dân xua đuổi tàu cát của Công ty TNHH Hiệp Phú, vì cho rằng tàu cát gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Lô, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và việc canh tác hoa màu của bà con.
Quan điểm về vụ việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, cho rằng: Vụ việc “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" trong trường hợp vô cớ, không có bất cứ chứng cứ gì thể hiện sự vi phạm pháp luật của Phó chủ tịch xã, Công an xã, kể cả cán bộ Công an huyện Yên Sơn. Và đây là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.
Người dân phản đối việc khai thác cát trái phép Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang và đó cũng là nguyên tắc được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc bắt người là biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang, người bị truy nã, người chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người đã thực hiện tội phạm chuẩn bị bỏ trốn. Bắt người không được áp dụng đối với người vi phạm hành chính – Luật sư cho biết.
Cũng theo Luật sư Vi Văn Diện: Nếu những cán bộ xã Đội Bình, Công an huyện Yên Sơn muốn tạm giữ, áp giải người vi phạm hành chính để xử lý thì cũng phải căn cứ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Theo điểm a, khoản 1, Điều 124, Luật Xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải nếu như người vi phạm đó thuộc trường hợp bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
LS Vi Văn Diện Tại Điều 122, Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 1, Điều 11 Nghị định 112/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ “Quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính …” thì tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Quyết định phải được người có thẩm quyền ban hành.
Như vậy, có thể thấy nếu anh Trần Văn Báu chỉ kêu gọi người dân, điện báo cơ cơ quan chức năng ngăn chặn xua đuổi tàu cát của Công ty TNHH Hiệp Phú khai thác gây sạt lở bờ sông Lô thì không thể thuộc hành vi bị ngăn chặn được. Tuy vậy, những cán bộ xã, huyện đã thực hiện hành vi với anh Báu rõ ràng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thậm chí không loại trừ trường hợp có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
"Hành vi của những đối tượng được gọi là “cán bộ” này biểu hiện bằng việc làm trái quy định về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục về bắt, giữ hoặc giam kể cả tạm giữ người theo thủ tục hành chính do vậy cơ quan có thẩm quyền tỉnh Tuyên Quang (cao hơn những người trong tổ công tác này) cần làm rõ vụ việc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc những người lạm quyền, vi phạm pháp luật, trả lại lòng tin cho nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân", Luật sư Diện phân tích.
Báo Kinh tế nông thôn đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc có chỉ đạo xác minh làm rõ sự việc và xử lý nghiêm sai phạm nếu có theo quy định để đảm bảo sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật và lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Tiến Đạt - Thanh Thắng
KTNT