Thôn Lủng Mình, xã Đồng Phúc (Ba Bể - Bắc Kạn) nằm trên đỉnh núi cao, là nơi sinh sống của 40 hộ đồng bào dân tộc Dao. Với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, nơi đây nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cho sản phẩm chất lượng, hương vị thơm ngon đặc trưng.
Nét đặc trưng riêng của chè Shan tuyết Lủng Mình
Chúng tôi đến thôn Lủng Mình giữa cơn mưa phùn lất phất, dọc hai bên đường xuất hiện nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, rộng rãi, đường bê tông kéo dài đến tận trung tâm thôn, cuộc sống của 40 hộ đồng bào dân tộc Dao ở đây đã và đang khởi sắc từng ngày. Do nằm trên đỉnh núi cao, Lủng Mình thừa hưởng khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho cây chè Shan tuyết phát triển. Búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn trắng. Khi sao khô, búp chè có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh vàng, đậm đà vị thơm đọng nơi đầu lưỡi.
Ông Triệu Khải Sinh, người cao tuổi trong thôn Lủng Mình, cho biết: “Không ai rõ đích xác cây chè Shan tuyết xuất hiện ở nơi đây từ khi nào. Chỉ biết rằng khi tôi lớn lên ở vùng đất này đã thấy có những cây chè Shan tuyết cổ thụ, thân cây to, chiều cao 4 - 5m, mọc trên đỉnh núi nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Cứ hạt rụng xuống, cây con mọc lên, theo thời gian hình thành nên vùng chè Shan tuyết với diện tích hàng chục hecta. Từ chỗ chỉ thu hái để làm nước uống hằng ngày, giờ đây chè Shan tuyết đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân”.
Dẫn chúng tôi lên thăm đồi chè Shan tuyết, Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Thắng chia sẻ: Ở trên núi cao, lá chè mới có nhiều lông tuyết màu trắng; còn nếu ở vùng thấp thì lá ít lông tuyết, hương vị không đậm đà, thơm ngon bằng. Vì vậy, ở Đồng Phúc chỉ có thôn Lủng Mình mới phù hợp để cây chè Shan tuyết phát triển. Trước đây, người dân chỉ biết thu hái mà không đầu tư chăm sóc, vì vậy theo thời gian, cây chè trở nên cằn cỗi, năng suất, chất lượng không còn được như trước. Nhờ sự quan của chính quyền địa phương, người dân đã được tập huấn kỹ thuật cải tạo, thâm canh nên nhiều diện tích chè Shan tuyết đã được đốn tỉa, tạo tán, nhờ vậy, năng suất, chất lượng cây chè được nâng cao hơn. Đến nay, cả thôn có khoảng 12ha cây chè Shan tuyết. Cây chè cho thu hái nhiều búp nhất vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Tuy sản lượng chè búp khô chưa nhiều, song chất lượng thơm ngon, đậm đà là nét đặc trưng riêng của chè Shan tuyết Lủng Mình.
Người Dao ở Lủng Mình đã phát triển cây chè Shan tuyết theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Đến nay, HTX Đồng Phúc đã thành lập tổ hợp tác trồng, chế biến chè Shan tuyết Lủng Mình để liên kết các hộ trồng chè phát triển tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, chế biến đóng gói và tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng phát triển cây trồng mũi nhọn
Năm 2021, sản phẩm trà Shan tuyết Lủng Mình được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, tạo cơ hội để cây chè nơi đây phát triển mạnh hơn với năng suất, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Những ngày này, gia đình ông Triệu Kim Đức, thành viên của tổ hợp tác đang khẩn trương tập trung sao sấy chè.
Ông Đức cho hay: “Chè Shan tuyết ở đây thường được bà con thu hái vào buổi sáng sớm, vào ngày nắng. Sau khi hái về phải sao sấy ngay để giữ được độ tươi của chè. Khi sao sấy phải giữ cho ngọn lửa cháy đều, ổn định thì khi pha nước mới có màu xanh đặc trưng. Do mới thành lập nên tổ hợp tác hiện nay còn thiếu máy móc để thực hiện việc chế biến, đóng gói. Vì vậy, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, sở ngành chức năng quan tâm đầu tư cho tổ hợp tác máy sao chè, vò chè, máy đóng gói hút chân không để sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng”.
Người trồng chè Shan tuyết ở Lủng Mình không sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong quá trình trồng, chăm sóc. Vì vậy, chè nơi đây là sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm chè búp Shan Tuyết hiện được bán với giá bình quân 200.000 đồng/kg. HTX Đồng Phúc đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm đã giúp bà con có thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Văn Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phúc, cho biết: Nghị quyết của Đảng ủy xã xác định chè Shan tuyết là một trong những cây trồng mũi nhọn. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người trồng chè, vận động bà con thâm canh, cải tạo, chăm sóc nâng cao sản lượng, chất lượng cây chè. Thời gian tới, chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh để hỗ trợ người dân cải tạo thêm số diện tích chè Shan tuyết hiện có, tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.