KTNT - Mặc dù sống trên chính mảnh đất của gia đình, được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bà Trần Thị Mến vẫn phải “tha hương cầu thực”, chỉ vì 4 anh em chồng của bà chặn ngõ không cho bà vào chính ngôi nhà của mình...
Bà Mến chỉ đống gạch đã chặn lối đi vào nhà bà.
Theo đơn trình bày của bà Trần Thị Mến (SN 1960), trú tại xóm 5, xã Hòa Hậu (Lý Nhân - Hà Nam), từ cuối năm 2016 đến nay, bà bị 4 gia đình anh em của chồng gồm các ông, bà Trần Văn Hoan, Trần Thị Thắng, Trần Thị Hiền, Trần Thị Tuyết liên tục gây sức ép, gây rối và gửi đơn lên xã yêu cầu bà phải trả lại đất mà gia đình bà đang ở vì họ cho rằng đây là đất của bố mẹ họ (cũng là bố mẹ chồng của bà Mến-PV) để lại. Mặc dù UBND xã Hòa Hậu đã giải thích với 4 anh em chồng bà đủ đường, nhiều cuộc hòa giải diễn ra nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Bà Mến cho hay, trước đây, chồng bà là ông Trần Hữu Biên, tham gia kháng chiến và bị thương, năm 2004 ông Biên qua đời do vết thương tái phát. Từ đó đến nay, bà với anh em chồng không hề xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, bất ngờ 4 em chồng của bà “vào hùa” với nhau đòi lại mảnh đất mà gia đình bà đang sống vì cho rằng, đây là mảnh đất bố mẹ chồng bà để lại, phần đất mà gia đình bà được chia đã bán lấy tiền, còn phần đất này gia đình bà “cướp” của bố mẹ chồng.
Sau khi ông Trần Văn Hoan (em chồng bà Mến) cùng 3 người em khác gửi đơn lên xã Hòa Hậu cho rằng, UBND xã cấp chồng đất vào mảnh đất thuộc phần đất của bố mẹ ông Hoan để lại nên bà Mến phải trả lại phần đất này, UBND xã Hòa Hậu đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, đo đạc lại phần đất nói trên và xác định 2 phần đất này hoàn toàn riêng biệt, không liên quan đến nhau. Phần đất nhà bà Mến đứng tên chồng bà.
Kiến nghị không được, anh em chồng bà đã dùng gạch đá chặn lối đi, rào xung quanh nhà khiến bà không thể vào nhà, phải đi ở nhờ, thậm chí phải ra Quảng Ninh - nhà con trai “lánh nạn”. Quá bức xúc, bà Mến làm đơn gửi lên chính quyền nhờ giúp đỡ, UBND xã Hòa Hậu đã yêu cầu lực lượng Công an xã xuống giải quyết vụ việc và giải tỏa hiện trường. Nhưng sau khi lực lượng chức năng ra về, 4 anh em chồng bà lại tiếp tục dùng gạch đá chặn lại lối đi.
Sổ đỏ cấp cho hộ ông Trần Hữu Biên.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Thao, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu, xác nhận sự việc trên, và cho biết, sau khi nhận được đơn, xã đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đo đạc lại và xác định phần đất của gia đình bà Mến không hề lấn chiếm hay cấp chồng lấn lên phần đất của gia đình bố mẹ chồng bà Mến để lại.
Theo ông Thao, UBND xã đang giao cho Công an xã điều tra làm rõ vụ việc, quan điểm của xã là sẽ xử lý nghiêm. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ gửi đến cơ quan chức năng xử lý đúng người đúng tội, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trung Hiếu
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.