Những hành động này đang thách thức cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nguyên nhân là do công tác quản lý của UBND các xã, phường không quyết liệt xử lý khi phát hiện vi phạm của người dân.
Mất kiểm soát phân lô, bán nền
Tháng 10/2019, các thửa đất số 64, 56, 75, 84, 87, 100… tờ bản đồ số 19, 20 thuộc phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa do ông Lê Minh Quí đứng tên. Chính quyền địa phương phát hiện ông Quí tổ chức làm hạ tầng như: đường giao thông, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng… và có dấu hiệu phân lô trái phép trên đất nông nghiệp. Thành phố Bà Rịa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quí với hành vi sử dụng đất sai mục đích, yêu cầu ông Quí tự tháo dỡ các công trình trên đất đã vi phạm.
Nhưng đến thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên VOV, ông Quí chưa thực hiện tháo dỡ phần hạ tầng trên đất nông nghiệp. Đồng thời, ông Quí đối phó bằng cách phủ lớp đất đá lên phần hạ tầng.
Ông Phạm Nguyễn Khánh Duy, Chủ tịch UBND phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa cho biết, phường tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cưỡng chế phần hạ tầng xây dựng trái phép trên phần đất nông nghiệp này.
“Ông Lê Minh Quí đã thực hiện nộp phạt nhưng không thực hiện tự tháo dỡ phần hạ tầng trên đất, mà chỉ phủ lớp đất đá lên phía trên. Với hành vi trên, thành phố Bà Rịa cũng đã ra quyết định cưỡng chế, nếu ông Quí không thực hiện hoàn trả lại hiện trạng ban đầu thì thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế” - ông Phạm Nguyễn Khánh Duy nói.
Còn tại khu phố 4 của phường Hắc Dịch (giáp ranh xã Tóc Tiên) thị xã Phú Mỹ, có 4 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, người dân đã tự ý phân nhiều lô đất rộng 100m2, làm hạ tầng giao thông, vỉa hè…
Theo ông Nguỵ Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, những vị trí mà phóng viên phản ánh hiện đã có quy hoạch đất ở, nhưng việc người dân tự làm hạ tầng trên đất là sai và phường đã lập biên bản, tổng hợp, báo cáo thị xã Phú Mỹ xử lý hành vi sử dụng đất sai mục đích.
“Người dân đã tách thửa ra 100m2 và tự ý làm vỉa hè, đây là hành vi xử dụng đất sai mục đích, phải xử lý tháo dỡ. Trên địa bàn có 4 trường hợp sử dụng sai mục đích, trong 100m2 đất thì vẫn còn 40m2 là đất nông nghiệp. Hiện phường đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử lý” - ông Nguỵ Như Sơn nói.
Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn huyện Châu Đức còn có trường hợp người dân sau khi phân lô trên đất nông nghiệp đã bán cho nhiều người.
Cụ thể, bà Đỗ Thị Kim Quyên, trú tại khu phố 2, thị trấn Ngãi Giao, sau khi nhận chuyển nhượng hơn 4.600 m2 đất trồng cây lâu năm tại khu phố Hoàng Giao đã thực hiện thủ tục tách thành 8 thửa đất, rồi tự ý làm đường bê tông rộng 3m, dài 130m, kéo điện, lắp đèn chiếu sáng. Đến khi chính quyền địa phương phát hiện thì tất cả 8 thửa đất trên đã chuyển nhượng cho 7 cá nhân khác nhau.
Xử lý người đứng đầu
Xét thấy việc để người dân tự ý làm hạ tầng, phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp kéo dài trong thời gian qua có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ, từ đầu năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương siết chặt quản lý. Tỉnh yêu cầu địa phương áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, kiên quyết xử lý kỷ luật người đứng đầu các địa phương đã buông lỏng quản lý, để người dân làm hạ tầng trên đất nông nghiệp.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuỳ theo mức độ và hành vi có liên quan, địa phương sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu. Ông Liêm khẳng định ở huyện này không có vùng cấm đối với những lãnh đạo buông lỏng quản lý.
“Chưa bao giờ mà trong một thời gian ngắn mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để quản lý phân lô, bán nền như hiện nay. Cụ thể, một mặt xử phạt hành chính đối với người dân thì cũng xử lý trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở, đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để người dân vi phạm mới xử lý, cưỡng chế như thế sẽ thiệt hại cho xã hội, tạo hình ảnh phản cảm” - ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Theo ông Trần Vinh Quang, Chủ tịch UBND thành phố Bà Rịa, để có cơ sở xử lý người đứng đầu, HĐND thành phố đã xây dựng "Chuyên đề giám sát việc người dân tự ý xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa trên đất nông nghiệp".
“Có chuyên đề giám sát của HĐND thành phố Bà Rịa, hiện đang chờ kết quả giám sát của HĐND. Sau khi có kết quả, Hội đồng kỷ luật sẽ đưa ra xem xét, nếu có vi phạm sẽ xử lý. Sau đó địa phương sẽ có các bước tiếp theo, sẽ kỷ luật tuỳ theo hình thức và mức độ” - ông Trần Vinh Quang khẳng định.
Để chấn chỉnh và tiến đến chấm dứt tình trạng người dân tự ý làm hạ tầng, phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp, ngoài việc xử lý người đứng đầu các địa phương, thì các sở ngành chức năng cũng cần sớm ban hành các văn bản pháp quy làm cơ sở quản lý phân lô, tách thửa. Điều này không chỉ để địa phương quản lý đất đai tốt hơn mà còn hạn chế thiệt hại cho người dân và xã hội./.