Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2019 | 13:35

Mặt trận Tổ quốc: Nòng cốt trong đồng thuận XDNTM

Xã Cẩm Đàn thuộc huyện miền núi Sơn Động (Bắc Giang), dân số chủ yếu là người Tày và Nùng. Do làm tốt công tác vận động, từ năm 2017 đến nay, người dân trên địa bàn đã hiến hơn 30.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.

Đây là thành công lớn của các cấp chính quyền, đoàn thể, trong đó có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã khi biết khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết của người dân địa phương.

 

tr9.jpg
Người dân tham gia làm đường giao thông.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Khoảng 10 năm trước, chúng tôi nhiều lần về làm việc với chính quyền và nhân dân xã Cẩm Đàn. Lúc đó, để đi đến được các thôn trong xã,  phải đi trên những con đường đất bụi mù về mùa hanh khô, nhão nhoét mỗi khi mùa mưa.

Được chứng kiến học sinh đi học tại những điểm trường thuộc thôn Ao Giang và Rộc Nẩy vào những ngày mưa gió mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của các em và thầy cô nơi đây. Đường thì trơn, không cẩn thận sẽ bị trượt ngã; có hôm sáng đi không sao, chiều thì không thể về nhà vì nước lũ dâng ngập con suối.

Lần này trở lại đây, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước hệ thống đường nông thôn đã được xây mới, đổ bê tông phẳng lì đến từng nhà, từng ngõ xóm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lãnh Văn Để, Chủ tịch MTTQ  xã Cẩm Đàn, cho biết, để làm được những con đường bê tông đẹp như hôm nay, chúng tôi đã vận động nhân dân trên địa bàn cùng hợp sức để làm nên đó.

Chúng tôi đến từng gia đình vận động để người dân thấy được lợi ích từ xây dựng đường nông thôn là phục vụ cho chính mình, gia đình mình và bà con trong thôn xóm đi lại đỡ vất vả và thuận tiện hơn trong việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, do chính mình sản xuất ra để tiêu thụ.

Tâm sự về cách vận động người dân hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, bởi đất là tài sản quý giá, là tư liệu để sản xuất, Chủ tịch MTTQ xã cười và cho biết: Chúng tôi vận động đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng. Ở đây, mọi người thấy có đóng góp cho tập thể là đồng lòng ngay, vì các công trình được xây dựng đều phục vụ mọi người, trong đó có họ, gia đình họ.

 

Theo Báo cáo của UBND xã Cẩm Đàn, từ năm 2017 đến năm 2019, xã đã thực hiện 94 tuyến đường tại 7/7 thôn. Tổng số vốn đầu tư 11.119.364.000 đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 3.623.534.000 đồng; ngân sách huyện 2.236.868.000 đồng; nhân dân đóng góp ngày công, cát sỏi trị giá 5.258.962.000 đồng. Hiến 30.900m2 đất, trong đó, đất thổ cư 13.604m2; đất nông nghiệp 6.828m2; đất đồi 10.468m2.

 

Ông Để cho biết, sau khi nghe chúng tôi tuyên truyền và vận động, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất để làm đường, hầu hết các thôn đều có gia đình hiến đất. Gia đình hiến nhiều nhất là hộ ông Lương Văn Đồng (thôn Rộc Nẩy), hiến 1.200m2 đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Đồng cho biết, với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, gia đình  tôi và nhân dân trong thôn được chính quyền, MTTQ xã và thôn nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và động viên hợp sức xây dựng các công trình công cộng, trong đó có các công trình như điện, đường, trường, trạm để phục vụ chính cuộc sống của bà con tại đây.

 

tr9a.jpg
Ông Lương Văn Đồng đã hiến 1.200m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.

 

“Nhận thấy việc làm hết sức ý nghĩa này, gia đình tự nguyện hiến 1.200m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, góp công sức đổ bê tông…

Từ ngày có con đường này, trẻ em đi học thuận tiện hơn, nhân dân trong thôn vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ nhiều hơn”, ông Đồng cho biết.

Sức mạnh của đoàn kết

Ông Trương Văn Quang ở thôn Ao Giang cho biết, hai năm qua, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Đàn đã làm được 94 tuyến đường nông thôn trên toàn bộ 7 thôn của xã, với chiều dài lên đến hàng trăm kilômét.

Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng và khai thác rừng, cuộc sống khá giả hơn so với trước đây, tuy nhiên, so với các địa phương khác trên địa bàn huyện, nhân dân xã còn khó khăn hơn nhiều.

Nhưng để làm được những con đường như thế, chúng tôi phải vận động từng hộ dân  tham gia đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Nhà có đất hiến đất, nhà có công hiến công, nhà có cây cối hiến cây cối, nhân dân cùng nhau đoàn kết để xây dựng cuộc sống của mình sung túc hơn.

Ông Hoàng Văn Khíu, ở thôn Rộc Nẩy, chia sẻ: Trước đây, người dân trong thôn nếu muốn đi ra xã rất vất vả vì đường sá lầy lội, thậm chí không thể đi ra được nếu có mưa to, mọi con đường đều bị ngập hết. Đến nay, mọi người cùng nhau đoàn kết, đóng góp công sức của mình để làm nên những con đường rộng thênh thang, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn Lê Văn Hồng cho biết, việc vận động  nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng của MTTQ, mà các đoàn thể chính trị - xã hội của xã cũng tham gia một cách rất tích cực.

Mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước hay các cuộc vận động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đều được xã triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Chúng tôi nhận thấy, vai trò của MTTQ rất quan trọng, nhiều công việc tưởng chừng rất khó khăn, tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của MTTQ là công việc lại trở nên đơn giản. MTTQ đã biết vận động nhân dân trên địa bàn đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đó là xây dựng xã  văn minh - giàu đẹp - tiến bộ, quyền lợi của nhân dân được bảo đảm, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

“Nếu không có sự vào cuộc của MTTQ thì Cẩm Đàn không thể vận động được người dân hiến hơn 30.000m2 đất, không thể đóng góp ngày công lao động giá trị lên đến hơn 5 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới”, ông Hồng cho biết thêm.

Là xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tuy nhiên, trên địa bàn 7 thôn của Cẩm Đàn đã hoàn thành bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường nông thôn. Kết quả đáng phấn khởi này có vai trò rất lớn của MTTQ xã trong việc tạo ra sức mạnh từ sự đoàn kết của nhân dân. Nếu địa phương nào cũng làm được như Cẩm Đàn thì chắc chắn bộ mặt nông thôn và cuộc sống của nông dân sẽ thay đổi nhanh hơn.

 

Nhờ triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đã hình thành nhiều mô hình, sáng kiến của MTTQ góp phần hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở cơ sở.  MTTQ các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu. Kết quả đạt được thông qua Cuộc vận động đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top