Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 2 năm 2022 | 14:35

May rủi buôn đất

Năm 2021 được nhận định là năm có bối cảnh kinh tế vĩ mô rất đặc biệt, GDP tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19.

Tuy nhiên, Chính phủ đã dùng các biện pháp tiền tệ và chính sách tài khoá để kích thích nền kinh tế. Điều này giúp kinh tế phục hồi trở lại và gián tiếp giúp thị trường bất động sản (BĐS) tăng giá, có bước tăng trưởng mới.

Số lượng triệu phú mới tăng nhờ trực tiếp, gián tiếp kinh doanh BĐS

Năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, bên cạnh dòng tiền rẻ nên nguồn vốn nhàn rỗi, thậm chí đầu cơ của các nhà đầu tư mới (F0) đã tìm đến thị trường chứng khoán và BĐS, điều này giúp hai thị trường tăng giá đáng kể, có nhiều nơi giá trị BĐS đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh (Phú Vinh Group) đưa ra nhận định: Năm 2021 là  năm có bối cảnh kinh tế vĩ mô rất đặc biệt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng thấp nhất trong vòng một thập kỷ do ảnh hưởng của Covid-19. Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đã dùng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như giảm thuế, tăng trợ cấp. Giai đoạn 2022-2023 sẽ có gói kích thích kinh tế, đầu tư công trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng. Các chính sách này, một mặt giúp kinh tế phục hồi trở lại, mặt khác gián tiếp giúp cho thị trường BĐS có được một xung lực tốt để phát triển một cách âm thầm và bền bỉ.

Cũng theo ông Chánh, dữ liệu từ World Data Lab (Anh) dự báo, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 23,2 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Theo thông tin từ Wealth Report 2021 của Công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD và xếp hạng 4 ở Đông Nam Á sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.

“Hơn 90% số lượng triệu phú trên có kinh doanh BĐS một cách trực tiếp hay gián tiếp. Những con số này đã cho thấy một bức tranh thực tế về sức hấp dẫn của thị trường BĐS đối với tầng lớp trung lưu, giàu và siêu giàu tại Việt Nam. Ngoài ra, câu chuyện quan trọng trong những năm tới còn nằm ở chỗ các chính sách thắt chặt về nguồn cung BĐS sẽ từng bước được tháo gỡ, nới lỏng và hướng tới định hướng cho một thị trường phát triển minh bạch, bền vững và chuyên nghiệp, từng bước giải phóng mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đất đai, giúp kinh tế của đất nước phát triển”, ông Chánh nhận định.

 

1-3-copy.JPG
Không ít người “phất” lên nhanh chóng do buôn đất.

 

Người người, nhà nhà kiếm tiền tỷ từ lướt sóng, đầu tư đất

Câu chuyện giàu lên nhanh chóng nhờ buôn đất là một thực tế. Đầu mới năm là dịp gặp gỡ, chuyện trò, nhưng mọi câu chuyện cũng hướng đến việc “phất” lên từ buôn đất.

Theo anh Nguyễn Trọng Lễ (Long Thành - Đồng Nai), Tết này, tôi về quê, mới có thời gian đến từng nhà người thân trong họ hàng để thăm hỏi sức khỏe và có cơ hội trò chuyện với nhiều người thân đến chúc Tết. Trò chuyện một hồi, tôi có phần “choáng váng” khi 10 người mình gặp gỡ trò chuyện, có tới 7 người đang buôn đất.

Hay như chị Châu Pha (Nhơn Trạch - Đồng Nai), đang làm công nhân có thâm niên 10 năm cho một nhà máy đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, hơn 2 năm qua, đã bén duyên trở thành môi giới BĐS. Ngoài môi giới, tư vấn giới thiệu cho khách lô đất dự án, đất thổ cư, chị còn “tranh thủ” xuống tiền vào một số lô đất tiềm năng, nằm vùng ven khu công nghiệp. Nhẩm tính một tháng nếu chỉ với đồng lương công nhân, chị có thu nhập  10-12 triệu đồng, tăng ca thì được 12-14 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này không bằng hoa hồng chị nhận được khi môi giới thành công một lô đất.

Tính sơ hơn hai năm qua, số tiền chị kiếm được từ đất lên tới 9 con số. Điều mà chính chị cũng không thể ngờ rằng, buôn đất lại có thể giàu lên nhanh như vậy.

“Sau đợt giãn cách xã hội, thị trường có dấu hiệu tốt lên, môi giới mọc lên như nấm, có một lô đất chuẩn bị bán thì có 5-6 người môi giới xuất hiện. Người thì làm văn phòng, người thì làm công nhân ở khu công nghiệp, thậm chí bà bán nước, anh xe ôm cũng có thêm nghề tay trái”, chị Châu Pha chia sẻ.

Không chỉ người trẻ đi buôn đất mà ngay cả những người trung tuổi đã nghỉ hưu, sắp bước sang tuổi mà người xưa hay gọi là “thất thập cổ lai hy” cũng đi buôn đất. Nhờ tiền kiếm từ đất, cứ sốt đất với giá tăng chóng mặt như thế này thì câu chuyện người người, nhà nhà đi buôn đất cũng là điều dễ hiểu.

Tôi nghe mọi người kể, 2 năm qua, có đôi vợ chồng U70 kiếm tới 5 tỷ đồng từ buôn đất. Để thuận tiện cho việc giao dịch, họ còn thành lập công ty bất động sản.

Đấy là những nhân vật điển hình mà tôi gặp ở quê buôn lớn, quy mô tiền tỷ. Còn không ít người dân quê cũng tranh thủ găm 1-2 lô đất vài trăm triệu để dành, chờ giá đất lên rồi bán với tâm lý: “Người sinh ra chứ đất không sinh ra”.

Đến ở quê, người người nhà nhà cũng đi buôn đất thì nói gì đến thị trường sôi động, truyền thống như Hà Nội. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, bao bạn bè của tôi cũng phải thêm nghề tay trái: buôn đất hay môi giới đất. Ai không có đất thì cố gắng vay mượn người thân, họ hàng hay thậm chí cắm sổ hồng căn nhà đang ở để đi mua đất. Không mua đất ở vùng ven Hà Nội thì họ xuôi về tận các tỉnh xung quanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương để đầu tư đất.

Người lãi to kể lại cho người chưa từng đi đầu tư. Người chưa từng đi đầu tư cũng sốt sắng nghĩ: “Phải nhanh mua lấy miếng đất không thì 1-3 năm sau, giá đất đã tăng gấp 3 lên”. Hay không mua bây giờ thì biết đến bao giờ mới có thể mua, mới đổi đời.

Đảm bảo lợi ích chung của xã hội

Trả lời báo chí, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng lượng tiền trong dân vẫn còn rất nhiều. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và BĐS thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác. Nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành tiêm vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm Covid-19 tạo ra nhiều vùng xanh an toàn. Đồng thời, kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Đây là tiền đề để BĐS tái khởi động và xác lập lại thị trường.

Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, xét về nguồn vốn tư nhân, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có khoảng 5.800 doanh nghiệp mới trong ngành BĐS thành lập, tăng 12% so với cùng kỳ, vốn đăng ký đạt 343.000 tỉ đồng, tạo 35.000 việc làm mới. Có 1.160 doanh nghiệp BĐS đã hoạt động trở lại, tăng 14% so với cùng kỳ.

Ngược lại, nhìn ở một góc độ khác, nếu người người giàu lên nhanh chóng nhờ vào BĐS, đồng tiền ấy chỉ làm lợi cho cá nhân, không làm lợi cho xã hội. Do đó, phải nhìn vào lợi ích chung của xã hội trước. Xã hội có tiến bộ thì các loại hình kinh doanh sẽ mở ra nhiều hơn, càng kiếm được nhiều tiền hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS, cho biết, việc giá BĐS bị "thổi" quá cao sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất cho các doanh nghiệp vì giải phóng mặt bằng khó khăn, chi phí phát sinh lớn hơn nhiều…

Các chủ đầu tư uy tín mong muốn thị trường phát triển lành mạnh và bền vững, không phải lối kinh doanh kiểu "ăn xổi ở thì", chụp giật cơ hội. Ông Đính nhấn mạnh, việc giá BĐS bị "thổi" quá cao sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất cho các doanh nghiệp vì giải phóng mặt bằng khó khăn, chi phí phát sinh lớn hơn nhiều…

Giá đầu vào quá cao thì phải bán ra cao nhưng thị trường có chấp nhận đâu. Bán cao thì không bán được. Doanh nghiệp chân chính luôn mong muốn đầu tư môi trường ổn định", ông Đính nói.

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top