Dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vẫn lựa chọn cho mình một hướng đi riêng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đó là gắn chương trình với việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện xung quanh chương trình XDNTM tại địa phương. Ông Cường cho biết:
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thường trực Huyện ủy, HĐND và sự chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt của UBND huyện, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước.
Sản xuất nông - lâm nghiệp được chú trọng, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp được vận dụng linh hoạt, khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất năm 2017 tiếp tục tăng 13,91% so với năm 2016. Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được giữ vững và dần được nâng cao.
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật sau 7 năm thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn huyện?
Trong những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, chương trình XDNTM của Mèo Vạc đã đạt được một số kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thường xuyên được huyện quan tâm đẩy mạnh về cả nội dung lẫn hình thức. Theo đó, đã tổ chức tuyên truyền được 1.803 đợt với 102 buổi, 19.044 lượt người tham gia; vận động nhân dân hiến được 133.226m2 đất, huy động đóng góp được 58.208 ngày công lao động; mở mới được 82,74km và nâng cấp được 139,6km đường trục thôn, liên thôn; tổ chức quyên góp được 1.857,3 triệu đồng
Về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong 7 năm qua, huyện đã triển khai có hiệu quả nhiều đề án, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân như Đềán bảo tồn và phát triển giống lợn đen Lũng Pù, chăn nuôi ngựa bạch, nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo và hỗ trợ giống chuối tiêu hồng, chè, chanh tứ mùa...
Riêng trong năm 2017, huyện hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hoá 50ha; hỗ trợ chăn nuôi 5 gia trại, với quy mô 50 con lợn thịt và lợn nái sinh sản. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Về cơ sở hạ tầng nông thôn, đã nhựa hóa được 104km đường trục xã, liên xã; bê tông hóa được 90,886km đường trục thôn liên thôn; nâng cấp sửa chữa 13 công trình thủy lợi; thi công 9 công trình điện, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên lên 60,8%; cải tạo nâng cấp hệ thống công trình lớp học, xây mới 2 nhà văn hóa xã, 18 nhà văn hóa thôn, nâng cấp sửa chữa 13 trạm y tế.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 xã đạt 9 tiêu chí (Tả Lủng, Tát Ngà); 5 xã đạt 8 tiêu chí (Giàng Chu Phìn, Nậm Ban, Niêm Sơn, Pả Vi, Pải Lủng); 7 xã đạt 7 tiêu chí (Lũng Chinh, Sủng Máng, Khâu Vai, Niêm Tòng, Thượng Phùng, Sủng Trà, Lũng Pù); 2 xã đạt 6 tiêu chí (Sơn Vĩ, Cán Chu Phìn); 1 xã đạt 5 tiêu chí (Xín Cái).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình XDNTM của Mèo Vạc vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn trực tiếp và lồng ghép dành cho chương trình chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Các cơ chế chính sách và các chỉ tiêu của bộ tiêu chí áp dụng cho xã miền núi và xã đồng bằng chênh lệch không đáng kể, trong khi đó điều kiện kinh tế của các xã miền núi khó khăn hơn rất nhiều.
Theo ông, đâu là những điểm nhấn sáng tạo của địa phương?
Thay vì triển khai dàn trải, chúng tôi đã lựa chọn xã điểm và thông điểm gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng để tập trung nguồn lực đầu tư. Đến nay, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tát Ngà đã được tỉnh công nhận. Dự kiến trong năm 2018 tiếp tục xây dựng làng văn hóa cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi.
Mèo Vạc đề ra mục tiêu gì trong năm 2018 và giải pháp nào để giữ vững chất lượng các tiêu chí, thưa ông?
Phấn đấu hết năm 2018 trên địa bàn huyện có 1 xã đạt 11 tiêu chí; 1 xã đạt 10 tiêu chí; 15 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí; Bình quân đạt 8,18 tiêu chí/xã. Tổng mức vốn dự kiến huy động năm 2018 là 59.566 triệu đồng.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.