Mới đây, đại diện của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) cho biết, doanh nghiệp này sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Vina Acecook.
Theo thông tin từ Công ty cổ Phần Acecook Việt Nam, DN này hoạt động theo Giấy phép kinh doanh, chứng nhận lần đầu vào ngày 15/12/1993; Giấy chứng nhận đầu tư số 412032000121; chứng nhận thay đổi lần thứ 12 cấp ngày 25/7/2014, do Ban Quản Lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM cấp.
Công ty CP Acecook Việt Nam hiện là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa “Hảo Hảo” số 62360 từ năm 2003 tại Việt Nam cho sản phẩm mì ăn liền thuộc nhóm 30, và đã được gia hạn đến ngày 27/06/2023 theo quyết định gia hạn số 65278/QĐ-SHTT, ngày 15/11/2012.
Tuy nhiên, ngày 26/01/2015 vừa qua, Công ty có phát hiện trên thị trường lưu hành loại mì ăn liền do Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods (địa chỉ Số 9/2 đường DT743, khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) sản xuất dưới nhãn hiệu “Hảo Hạng” tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo” đã đăng ký độc quyền của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.
Hình ảnh 2 loại mì do Asia Foods cung cấp
Do vậy, Ngày 3/2/2015 Công ty Cổ Phần Acecook Việt Nam đã gửi công văn số:112/2015/AV-HCM về việc “sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu” khuyến cáo và đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods phải chấm dứt việc mua bán, quảng cáo mì Hảo Hạng và có biện pháp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm đã đưa ra thị trường.
Phúc đáp công văn này, Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Foods khẳng định việc sản xuất Hảo Hạng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302 (tại văn bản số:18/15/HCNS-AC ngày 5/2/2015).
Tiếp đó, ngày 13/2/2015 Công ty CP Acecook Việt Nam đã gửi công văn đến Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến. Theo đó, cục đã có Công văn số 1320/SHTT-TTKN kết luận:
“Mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình” của Công ty CP Thực phẩm Á Châu sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 119302) có cách trình bày kiểu chữ “Hảo Hạng”, “Tôm Chua Cay”; đặc biệt là dấu hiệu hình tô mì và sợi mì, hình các con tôm, hình nửa quả chanh cùng các loại rau thơm, hành cùng với tổ hợp màu sắc, đặc biệt màu sắc chủ đạo của bao gói mì là màu đỏ cùng với màu hồng, xanh nước biển, xanh nước biển đậm, xanh nước biển nhạt, xanh lá cây, vàng, vàng nâu, tím, trắng, đen” tạo thành một tổng thể tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình” được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 62360.
Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ, nhằm để bán các sản phẩm mì ăn liền mang nhãn hiệu như đã nêu mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đúng theo quy định Điều 129.1 Luật Sở hữu trí tuệ”.
Trước sự việc trên, đại diện của Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết: “Hành vi của Công ty CP Thực phẩm Á Châu không những xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Công ty chúng tôi, mà còn là hành vi cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng…”.
Công ty CP Thực phẩm Á Châu phản ứng như thế nào về những cáo buộc trên.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./
Thành Vinh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.