Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Chính sách miễn, giảm thuế trên là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Do đó, lần này Chính phủ đề xuất Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31/12/2025. Bởi, vấn đề này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế và không đối kháng với bất cứ điều lệ nào với thông lệ quốc tế, cũng như quy định của các Hiệp định, tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Không để lãng phí đất đai
Đa số đại biểu đều đồng tình với đề xuất này, vì đây là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn – chiếm tới 70% dân số của cả nước.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), hiện mới chỉ có 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
“Số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn quá ít, quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 3%/năm trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.
Cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cùng đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, đảm bảo đúng đối tượng nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tham nhũng, lãng phí.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương về Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), nêu quan điểm: Các hộ cá nhân, hộ cá nhân cần tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích các tập đoàn kinh tế vào nông thôn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng làm giảm hụt nguồn thu ngân sách của Nhà nước (ước tính mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng) nên cần có sự tổng kết về chính sách này để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới. Bởi lẽ, trong thời gian qua, có tình trạng tình trạng người dân để đất bị bỏ hoang hóa không sản xuất, đất bị bỏ hoang chưa được thu hồi. Ngoài ra, có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ giá đền bù, bỏ hoang không sản xuất...
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện rộng rãi nhưng số lượng đối tượng bắt buộc phải trả tiền thuế không đáng kể. Vì thế, địa phương cần thực hiện công tác quản lý đất nông nghiệp chặt chẽ, có sổ sách ghi chép, theo dõi hàng năm những cá nhân, hộ gia đình mua đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất mà để cho chủ cũ trực tiếp sản xuất nhưng khi Nhà nước có đền bù thì lại xảy ra tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới. Thậm chí có nơi không được hỗ trợ cho ai.
Đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Sau thời gian này, Chính phủ cần có sự tổng kết, đánh giá lại để Quốc hội sẽ có chủ trương thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất những tổ chức Nhà nước được giao đất mà không trực tiếp sử dụng đất để đất hoang hóa hoặc giao đất cho cá nhân, tổ chức khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp để hưởng chênh lệch thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Trong thời gian chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp và phải bị phạt theo Luật Thuế.
Không miễn thuế cho người cố tình không sử dụng đất
Tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55, trong đó có quy định là đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị kinh tế khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho các tổ chức, cá nhân khác nhận thầu hợp đồng hoặc sản xuất đất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi theo quy định của Luật Đất đai và trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), thực tiễn cho thấy quy định này chưa được thực hiện một cách triệt để. Nếu cứ kéo dài Nghị quyết đơn thuần sẽ giống như một sự hợp thức hóa để tình trạng vi phạm pháp luật về sử dụng đất.
“Qua giám sát thực tiễn cho thấy, nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sản xuất không cao và đất đai chủ yếu là khoán trắng, phát canh, thu tô không quản lý, sử dụng mà chủ yếu là giao khoán. Cá biệt có những đơn vị, thu nhập chủ yếu của công ty là dựa vào hoạt động từ dịch vụ cho thuê này nhưng một số địa phương và tổng công ty vẫn trình phương án duy trì chuyển đổi mà chưa mạnh dạn đề xuất để giải quyết dứt điểm vấn đề này”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu rõ.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội chính sách miễn thuế đất nông nghiệp đã thực hiện được 20 năm và đến nay không còn phù hợp nữa. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho thấy, việc miễn thuế làm giảm đi chưa đến 10.000 tỷ đồng, đúng là không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng lại chưa giúp thúc đẩy phát triển nông nghiệp cũng như hỗ trợ đời sống nông dân.
“Với 10.000 tỷ chia đều cho khoảng 11.000 hộ nông dân. Như vậy, mỗi một hộ nông dân được miễn khoảng 1 triệu đồng/năm, thì không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy sản xuất mà chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Ngoài ra, vì đất sử dụng không phải nộp thuế, cho nên những người nhận đất, dù không sử dụng thì họ vẫn cứ nhận càng nhiều càng tốt và để đấy. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng bỏ hoang đất”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
“Vì đất đai không chịu thuế nên người ta vẫn cứ giữ đất để đấy, trong khi nhiều người khác đang cần đất thì lại không có đất để sản xuất. Như vậy không chỉ để lãng phí đất mà lại cản trở quá trình tích tụ đất đai cho xu hướng sản xuất nông nghiệp tập trung hóa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cần đánh thuế 100% các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị thành phố Cần Thơ thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nhận định kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn từ năm 2011 đến nay cho thấy: Số tiền miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp bình quân hàng năm không nhiều (giai đoạn 2011-2016 khoảng 6.308 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2016 đến nay khoảng 7.438 tỷ đồng) và không ảnh hưởng lớn đến tình hình thu ngân sách Nhà nước.
Theo Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13 tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018 thì cả nước có 27,289 triệu ha đất nông nghiệp (trong đó đất trồng lúa 4,120 triệu ha, đất trồng cây lâu năm là 2,831 triệu ha) số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn với bình quân hằng năm là 272.577 đồng/ha, số tiền thực tế nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi trừ các khoản lương và chi phí để duy trì hoạt động của bộ máy thu thuế sử dụng đất nông nghiệp là không đáng kể.
Chính sách này được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình và góp phần quan trọng vào việc động viên, khuyến khích hỗ trợ cho nhân dân nói chung và nông dân nói riêng.
Nội dung Tờ trình của Chính phủ và khảo sát thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cần bổ sung đánh giá tác động đúng thực tế của chính sách này có phải mục đích, nguyên nhân chính quyết định hay không đối với việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới phù hợp với thực tiễn (như mô hình trang trại, cánh đồng mẫu lớn…); tạo sức lan tỏa, thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Trong khi đó, việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu có diễn biến phức tạp và khó lường. Mặt khác, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không vi phạm các cam kết quốc tế mà nước ta đã tham gia…
Từ những cơ sở nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân khẳng định đây là chính sách rất đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và hợp lòng dân. Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết, thực tiễn cho thấy, tình hình sử dụng đất ở các địa phương vẫn còn lãng phí. Một số nơi chưa sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích (như tổ chức khai thác đất mặt, khai thác khoán sản trái pháp luật trên đất nông nghiệp), còn tình trạng bỏ hoang, một số nơi xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, hình thành các khu, điểm dân cư tự phát trên đất nông nghiệp làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương…
Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị Ban Soạn thảo Dự thảo Nghị quyết nghiên cứu bổ sung quy định thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp nhưng không đưa đất vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian trên 12 tháng (trừ trường hợp nguyên nhân do thiên tai, dịch bệnh….) và việc sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích, gây lãng phí hoặc làm hủy hoại đất nông nghiệp.
Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích nông dân, doanh nghiệp chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) nêu quan điểm: Quốc hội nên tiếp tục thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và nên ban hành một Nghị quyết mới về vấn đề này.
Bởi vì, Nghị quyết 55 của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được xây dựng từ năm 2010, còn Nghị quyết 28 của Quốc hội có bổ sung và kéo dài Nghị quyết 55 đến năm 2020. Còn nay, Quốc hội lại bàn thảo một Nghị quyết của các Nghị quyết trên thì không hợp lý. Bởi, Hiến pháp năm 2013, Điều 47 quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 5 của Luật Thuế năm 2019 cũng đã nêu là mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA thì cũng nên nghiên cứu, xem xét đối kỹ đối tượng miễn thuế cho phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cũng ảnh hưởng đến thu nhập ngân sách Nhà nước, hội nhập quốc tế trong cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tốn nhiều thời gian, công sức quản lý cũng như chi phí khác. Với những bất cập trên, khi thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Quốc hội cần xem xét nghiên cứu, xây dựng một Nghị quyết mới cho phù hợp, hiệu quả hơn với thực tiễn.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể đến 31/12/2030.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.