Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 11 tháng 7 năm 2013 | 11:40

Một giám đốc công ty rau bị “tố” lừa đảo?

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đại Việt Tân có đơn gửi đến Báo Kinh tế nông thôn tố cáo: Ông Nguyễn Khắc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đầu tư phát triển Rau hoa quả trực thuộc Viện nghiên cứu rau hoa quả, trụ sở tại thị trấn Châu Quỳ, Gia Lâm (Hà Nội) lợi dụng “tình bạn” để lừa đảo gây tổn thất nghiêm trọng cho Cty ông Tuấn Anh. Vậy sự thật có phải như thế?

Trong đơn phản ánh, ông Tuấn Anh cho rằng, giữa tháng 7/2012, ông cùng một người bạn đến Văn phòng Cty TNHH MTV Tư vấn và Đầu Tư Rau hoa quả để thăm ông Nguyễn Khắc Anh, đồng thời thăm quan mô hình trồng rau quả của Cty.

Tại buổi gặp mặt này, ông Khắc Anh “khoe” có 80ha rừng thuộc quyền sở hữu của ông tại thị trấn Măng Đen, huyện KonPlong (Kon Tum) đang có nhu cầu khai hoang để lấy mặt bằng phục vụ trồng trọt. Sau khi biết Cty Đại Việt Tân của ông Tuấn Anh có chức năng khai thác, tận thu gỗ, khai hoang rừng, ông Khắc Anh đã ngỏ lời nhờ ông Tuấn Anh thực hiện việc khai hoang 80ha rừng trên.

Theo giá trị công việc gồm phát quan cây rừng tạm tính 300m3 gỗ/ha, 800 ster cành ngọn/ha, áp dụng theo định mức khoán lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành thì giá trị hợp đồng vào khoảng 125.000.000 đồng/ha, nhưng vì tình cảm bạn bè lâu năm, lấy công làm lãi, ông Nguyễn Tuấn Anh đã đồng ý giúp ông Khắc Anh và hai bên đã thống nhất đi đến thỏa thuận mức khoán là 75.000.000 đồng/ha (có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thu Quỳnh và các thành viên cổ đông của Công ty Đại Việt Tân).

Sau khi thống nhất, Công ty Đại Việt Tân đã gửi Hợp đồng kinh tế cho ông Khắc Anh, trong hợp đồng thể hiện rõ phần việc khoán và giá khoán khai thác là 75.000.000 đồng/ha, tổng giá trị hợp đồng là 6 tỷ đồng. Hai bên cam kết số tiền trên sẽ được thanh toán bằng chính số gỗ trên diện tích rừng thuộc quyền sở hữu của ông Khắc Anh, mà theo lời ông Khắc Anh thì đó toàn là các loại gỗ quý như dổi, chò chỉ đường kính cây tới 2m, trị giá nhiều tỷ đồng (?!)


Cũng theo đơn phản ánh, ông Khắc Anh đã không đồng ý với hợp đồng này và soạn lại một hợp đồng khác chuyển lại cho Cty Đại Việt Tân, trong đó giá khai thác khoán chỉ còn lại 6.000.000 đồng/ha. Giải thích cho số tiền khai thác “khác thường” trên, không đúng với thoả thuận trước đây của hai bên, ông Nguyễn Khắc Anh lý giải: “Theo ông Khắc Anh, số tiền 6.000.000 đồng/ha là hỗ trợ thêm cho Cty Đại Việt Tân, còn số tiền thực chính là số gỗ tận thu được”.

Mặc dù đã rất cẩn thận khi yêu cầu ông Nguyễn Khắc Anh, Nguyễn Khắc Trung và bà Nguyễn Thị Hồng Mỹ, chủ sở hữu của 80ha rừng trên làm giấy ủy quyền có Công chứng vào việc khoán việc cho Cty Đại Việt Tân khai thác, dọn mặt bằng lâm nghiệp và được phép tận thu toàn bộ lượng gỗ có trên đó, nhưng đến sát ngày đi phía đối tác mới đưa ra Giấy ủy quyền không có dấu công chứng với lý do không làm kịp, cứ vào đấy trước sẽ có người lo hết cho các thủ tục này.

Yên tâm, tin tưởng với lời hứa của bạn, ông Tuấn Anh đã cho chuyển xe xúc, xe ủi, máy kéo, máy tời kéo gỗ, cưa máy, lán trại, xăng dầu và nhu yếu phẩm cùng 30 công nhân của Cty Đại Việt Tân lên đường vào Kon Tum thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến đầu thành phố Kon Tum, Cty Đại Việt Tân đã ngã ngửa người ra khi đoàn xe của Cty bị Công an, Kiểm lâm Kon Tum giữ lại không cho đi tiếp vì vào khu rừng cấm Quốc gia mà không xuất trình được giấy phép chấp thuận đầu tư của chu đầu tư.


Công ty Đại Việt Tân lại tự phải tự vận động hoàn thiện các thủ tục còn lại, việc khai hoang được bắt đầu cũng là lúc Cty Đại Việt Tân thêm một phen khóc dở mếu dở khi khu rừng mà ông Khắc Anh vẽ ra nào là chò chỉ, nào là dổi lại toàn là gỗ tạp không có giá trị kinh tế, và cay đắng hơn nữa là kể cả số gỗ trên Đại Việt Tân cũng không được tận thu vì ông Khắc Anh chứa nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế tài nguyên nên không được lấy một mẩu gỗ nào ở diện tích khai thác này mà chỉ được cưa xong trả gỗ tận thu cho chính quyền.

Lờ mờ đoán ra được sự khuất tất của bạn, nhưng khi nghe ông Khắc Anh khua môi múa mép qua điện thoại động viên, rồi gửi vào 65.000.000 đồng ban đầu để Cty Đại Việt Tân thu xếp công việc ban đầu, ông Tuấn Anh lại một lần nữa “yếu lòng” tin bạn vẫn cho công nhân Cty Đại Việt Tân thực hiện việc khai thác phát hoang. Đến khi khối lượng công việc đã triển khai được trên 28ha trên tổng số 80ha (tổng giá trị theo hợp đồng tạm tính đã thực hiện trị giá 2 tỷ 100 triệu đồng), Cty Đại Việt Tân đã đề nghị ông Khắc Anh chi trả một phần số tiền trên để phía Đại Việt Tân tiếp tục thực hiện việc khai hoang số diện tích rừng còn lại nhưng phía ông Khắc Anh lần nữa nhiều lần không chịu trả.

Cực chẳng đã, Cty Đại Việt Tân đã phải dừng lại công việc, yêu cầu ông Nguyễn Khắc Anh thanh toán rồi mới tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, cho đến nay Đại Việt Tân vẫn chưa thể thu hồi lại khoản tiền trên.

Tuy phía Cty Đại Việt Tân đã nhiều lần có đơn thư kêu cứu gửi cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Hải Ninh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top