Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ án lớn liên quan đến mua bán hoá đơn trái phép. Hành vi này không chỉ thu lợi bất chính cho một số đối tượng mà còn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Bắt nhiều vụ mua bán trái phép hoá đơn
Ngày 30/5, Công an Thanh Hóa phá chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây thành lập công ty “ma” mua bán hóa đơn trái phép thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng. Qua xác minh các công ty do Hoàng Thị Hạnh, ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa là đối tượng cầm đầu và đồng bọn lập ra, Công an xác định các công ty này từ khi thành lập (tháng 8/2020) không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất, nhân công lao động phục vụ cho việc kinh doanh.
Bản thân các đối tượng vừa là giám đốc, vừa là kế toán, thông qua các mối quan hệ xã hội để tìm khách hàng và bán hóa đơn cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh có nhu cầu mua hóa đơn để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo với giá giao động từ 2-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn.
Từ tháng 8/2020 đến nay, Hoàng Thị Hạnh đã cùng đồng bọn phát hành và bán gần 5.000 chứng từ, hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với tổng lượng hàng hóa ghi trên hóa đơn là hơn 1.000 tỷ đồng và thu lời bất chính hơn 200 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 4/2021, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) phá thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán hóa đơn GTGT trái phép trên địa bàn TP Hà Nội. Công an xác định, Lê Thị Hạnh, trú tại Hà Nội cùng ổ nhóm sử dụng 28 công ty "ma" để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trong đó có cả hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử. Nhóm đã thực hiện mua bán trái phép gần 50 nghìn tờ hóa đơn điện tử và nhiều loại hóa đơn giấy khác nhau.
Đầu tháng 1/2021 Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã triệt phá thành công nhóm đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Qua lời khai của các đối tượng, cơ quan chức năng xác định nhóm này đã thành lập 20 công ty "ma" để thực hiện mua bán hóa đơn GTGT.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Thị Thảo, Giám đốc DNTN Bảo Thi ở TX Hương Trà, (Thừa Thiên – Huế) về vi phạm tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ".
Các đối tượng trong ổ nhóm đã thu thập, sử dụng các giấy chứng minh nhân dân trôi nổi, thuê địa điểm hoặc khai man địa điểm để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký in và phát hành hóa đơn GTGT tại các chi cục thuế. Ðể tìm kiếm khách hàng, các thành viên lên mạng xã hội, tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu để hợp thức hóa nguồn hàng đầu vào hoặc giá nhân công.
Hàng nghìn tỷ tiền thuế bị chiếm đoạt
Theo Tổng cục Thuế, trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm, như năm 2019 là 135 vụ, năm 2020 là 162 vụ.
Điển hình vào tháng 1/2021, công an Hà Nội đã đường dây mua bán trái phép hoá đơn GTGT đặc biệt lớn. Nhóm này đã thực hiện mua bán trái phép 48.629 tờ hóa đơn điện tử và nhiều loại hóa đơn giấy khác nhau. Tổng doanh thu số hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn bước đầu xác định là trên 1.553,8 tỉ đồng, thuế GTGT là trên 155,3 tỉ đồng.
Ngày 11/3, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can trong đường dây mua bán hóa đơn GTGT khống để trốn thuế. Trong đó, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 cán bộ chi cục thuế do đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp mua hóa đơn GTGT khống để hưởng lợi bất chính trên 600 triệu đồng. Bảy bị can khác bị khởi tố về hành vi mua và sử dụng hóa đơn GTGT khống để trốn thuế. Đường dây này đã mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT khống gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỉ đồng.
Gần đây, Cục Thuế Tây Ninh đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm của Công ty CP TM Sài Gòn Tây Nam đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) - Công an tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, ra quyết định thu hồi hoàn thuế công ty này 177 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, từ ngày 26/3/2018 - 29/5/2020, Công ty Sài Gòn Tây Nam đã mở 141 tờ khai xuất khẩu, trị giá tính thuế là 1.645 tỉ đồng. Doanh nghiệp này ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ 4 công ty trong nước và xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, không phải trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Công ty Sài Gòn Tây Nam làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh. Qua xác minh, phần lớn các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp này đều không có tại địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế...
Tập trung xử lý nạn mua bán hoá đơn
Để xử lý tình trạng buôn bán hoá đơn trái phép, Tổng cục Thuế đang tập trung kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp có rủi ro về in, phát hành, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn. Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp giám sát chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn, kiểm soát việc in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn theo chế độ quy định.
Nhiều vụ mua bán hóa đơn trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện.
Kiểm tra, rà soát việc bán hóa đơn lẻ, tránh việc lợi dụng sử dụng hóa đơn lẻ để hợp thức hóa đầu vào, hoặc làm chứng từ để thanh toán tiền từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế rà soát các thông tin có nội dung rao mua bán, cung cấp hóa đơn không hợp pháp trên mạng internet, mạng xã hội như trang cá nhân trên Facebook, email, điện thoại…
Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư ngỏ... để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đấu tranh với hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, mua bán hóa đơn. Đưa tin các vụ án trên địa bàn địa phương mà cơ quan công an, cơ quan chức năng đã điều tra khởi tố theo quy định của pháp luật về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mua bán hóa đơn nhằm răn đe trong xã hội.
Đặc biệt, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra xác minh người mua, người bán từ khâu đầu đến khâu cuối; hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan công an bảo đảm tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và thủ đoạn vi phạm về in, phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, hoặc có dấu hiệu mua bán hóa đơn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Ngành thuế sẽ sớm đưa vào áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.