Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 1 năm 2022 | 14:56

Năm 2022, ngành gạo nhiều lợi thế, giá có thể tăng cao hơn

Năm nay, sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực trong đó có gạo và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định thậm chí tăng cao hơn năm trước.

anh1_jybs.jpg
Bốc xếp gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

 

Thị trường xuất khẩu chủ đạo 

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2021 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm mạnh 23% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 10/2021, đạt 210.222 tấn, tương đương 106,54 triệu USD. Đứng sau Philippines là thị trường Trung Quốc cũng giảm 4% cả về lượng và kim ngạch, đạt 75.830 tấn, tương đương 34,87 triệu USD.

Tính chung 11 tháng năm 2021, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, đạt trên 2,3 triệu tấn, tương đương 1,18 tỷ USD, giá trung bình 510,6 USD/tấn, tăng 18,7% về lượng, tăng 29,3% về kim ngạch và tăng 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38,8% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Trung Quốc đứng thứ hai với khối lượng xuất khẩu đạt gần một triệu tấn, giá trị xuất khẩu 494,72 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 494,8 USD/tấn, tăng 32,9% về lượng, tăng 14,6% về kim ngạch nhưng giảm 13,8% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 17,4% trong tổng lượng và chiếm 16,3% trong tổng kim ngạch.

Thị trường Ghana đứng thứ 3 đạt 608.786 tấn, tương đương 356,85 triệu USD, giá 586,2 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá với mức tăng tương ứng 20,2%, 30,7% và 8,7% so với cùng kỳ, chiếm 10,6% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo xuất khẩu sang Bangladesh tăng rất mạnh 8.617 % về lượng, tăng 10.082% kim ngạch, tăng 16,8% về giá, đạt 53.261 tấn, tương đương 32,19 triệu USD, giá 604 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực (VFA) kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex group cho rằng hoạt động vẫn diễn ra như hàng năm, tuy nhiên trong năm nay có tốt hơn. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tất cả đã đi vào ổn định nên lưu thông vận chuyển hàng hóa thông thoáng hơn.

Nhưng khó khăn lớn nhất của ngành lúa gạo bây giờ là lợi nhuận của người nông dân bị giảm rất mạnh do giá các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu tăng một cách đột biến, đặc biệt là giá phân bón. Đó là điều lo lắng nhất. Nếu như giá phân bón không tăng mạnh sẽ không làm tăng giá thành sản xuất, thu nhập của người trồng lúa không giảm mạnh như năm qua.

Tiếp tục có lợi 

Nhận định về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo năm 2021, Phó chủ tịch VFA cho rằng về mặt lý thuyết thì không thể đoán định gì về thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2022, vì đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp cùng với việc biến thể Omicron đang hoành hành nhiều khu vực trên thế giới mà đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xác định cụ thể mức độ nguy hiểm của biến thể này.

Nhưng trước tình hình dịch bệnh như thế thì nhu cầu lương thực thực phẩm trên toàn cầu vẫn sẽ ổn định. Để đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân chắc chắn chính phủ các nước sẽ phải quan tâm đến lương thực và tăng cường dự trữ kho gạo quốc gia.

 

xuatkhaugao-1569551230_750x0.jpg
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng hưởng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu.

 

Như vậy, xu hướng năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực trong đó có gạo, và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định như 2021 thậm chí cao hơn, vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn tăng. Thứ hai, như trên, để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân các nước nhập khẩu gạo phải ổn định tồn kho trong nước, nên kiểu gì cũng phải tăng nhập khẩu gạo để nâng dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề còn tùy thuộc Việt Nam mất mùa hay được mùa. Nếu được mùa mà giá xuất khẩu tăng sẽ có lợi cho người nông dân, vì xu hướng chung là người nông dân đang giảm dần sản xuất gạo trắng thông thường giá bán thấp, chuyển sang trồng các loại gạo cấp cao giá bán cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 sản xuất lúa đạt sản lượng đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn, mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 39 nghìn ha nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.

Sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 77%. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 499,3 USD/tấn năm 2020 lên trên 526,9 USD/tấn năm 2021.

DN tận dụng cơ hội

Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tối đa cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng hưởng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu sang các thị trường đã có FTA. Những ngày cuối cùng năm 2021, một lô hàng hơn 4.000 tấn gạo thơm và gạo trắng do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã lên đường sang châu Âu.

Đáng nói, đây cũng là lô hàng gạo xuất khẩu đầu tiên Lộc Trời sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng covid-19.

Năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24  doanh thu gạo của tập đoàn.

 

ttxvn_loc_troi.jpg
Công nhân Tập đoàn Lộc Trời đóng gạo xuất khẩu. 

 

Sau hơn 1 năm tham gia EVFTA, gạo Việt Nam đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu nhờ chất lượng, qua đó giúp kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% về giá trị so với năm 2020.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, "với đơn hàng cuối cùng hơn 4.000 tấn vừa xuất khẩu sang châu Âu trước thềm năm mới, năm 2022 kỳ vọng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác".

Mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gấp khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái, có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết, các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP hay các hiệp định thương mại song phương đã giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Thời điểm cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA, VKFTA... đang tiếp tục tạo thuận lợi cho nhiều loại hàng hóa của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại EU, Hàn Quốc...

Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, trong đó, Mỹ vẫn là chủ lực của xuất khẩu Việt Nam, và xuất khẩu sang EU kỳ vọng sẽ có những bước đột phá khi các ngành hàng xuất khẩu tận dụng ngày một nhuần nhuyễn FTA với EU.

Với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN, xuất khẩu tiếp tục được thuận lợi nhờ các FTA song phương và đa phương đã có hiệu lực, đặc biệt là RCEP giữa ASEAN và 5 quốc gia ngoài ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã đi vào thực thi từ 1/1/2022.

RCEP có hiệu lực, cùng với 14 FTA hiện có sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU) bị áp thuế 45%. Một số nước trong khối thậm chí áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.

Khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Bao gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ưu đãi từ EVFTA giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm.

Trong năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định khi xuất khẩu gạo sang EU 11 tháng đạt khoảng 54 nghìn tấn, tương đương 38 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Giống thị trường Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường cao cấp khác, người tiêu dùng EU ưa chuộng các giống gạo chất lượng cao như: gạo thơm, gạo hạt dài, gạo đặc sản.

Phân tích cụ thể, gạo Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 10 triệu USD), Hà Lan (đạt 6 triệu USD), Italy (đạt 6 triệu USD) và Ba Lan (đạt 4 triệu USD).

Gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Thời gian tới, xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây.

Một lý do nữa khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang EU là bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU như chúng ta.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top