Ngày 28/6/2016, UBND tỉnh Hà Giang có công văn hỏa tốc yêu cầu giải tỏa dứt điểm các cơ sở khai thác cát sỏi trái phép tại huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang. Tuy nhiên, ở hai địa phương này, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn xảy ra khiến người dân bức xúc.
Tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), mặc dù đã bị phạt hành chính nhưng nhiều cơ sở vẫn khai thác cát trái phép.
Bị xử phạt vẫn tái phạm
Tại thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đầu tháng 6/2016, Tổ công tác giữa Công an huyện Bắc Quang và UBND thị trấn Vĩnh Tuy đã tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở khai thác cát trái phép, lập biên bản tạm giữ công cụ, phương tiện có liên quan. Ngày 28/6/2016, Công an huyện Bắc Quang ra quyết định xử phạt vi phạm hành 5 cơ sở hút, tập kết, kinh doanh cát trái phép với mức 5.000.000 đồng/hộ.
Mặc dù đã bị xử phạt và bị cấm khai thác nhưng nhiều chủ tàu, bến bãi vẫn tổ chức hút, kinh doanh cát bình thương như chưa có chuyện gì xảy ra. Ngày 19/7, phóng viên có mặt tại thị trấn Vĩnh Tuy, 3/5 cơ sở vẫn đang khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép. Đặc biệt, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh ngang nhiên hút cát từ tàu lên bãi tập kết giữa ban ngày như thách thức chính quyền.
Theo ông Linh Văn Túc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Quang, trên địa bàn huyện có 18 cơ sở khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn vì các cơ sở là các hộ gia đình. Đặc thù ở Bắc Quang giao cho Công an huyện chủ trì, Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ là thành viên nên các anh liên hệ với Công an huyện thì sẽ nắm rõ hơn.
Liên hệ qua điện thoại với Đại tá Vũ Văn Thanh, Trưởng Công an huyện Bắc Quang, ông Thanh cho biết, Công an huyện được giao chủ trì nhưng chúng tôi chỉ xử phạt vi phạm hành chính, bắt giữ tang vật, giữ hiện trường…, chứ về quản lý nhà nước về mặt tài nguyên khoáng sản là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện quản lý.
Dọc theo tuyến đường lên cửa khẩu Thanh Thủy, có nhiều điểm tập kết cát, sỏi nhỏ lẻ đã bị chính quyền dẹp bỏ. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, tại xã Phương Tiến (huyện Vị Xuyên), có 2 bãi tập kết, kinh doanh và tổ chức hút cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, mặc cho lệnh cấm của chính quyền địa phương. Một trong 2 cơ sở đó còn ngang nhiên phá núi mở đường ra tận bờ Sông Lô để hoạt động. Tại thời điểm phóng viên ghi hình, việc kinh doanh cát vẫn diễn ra sôi động, máy xúc miệt mài guồng cát lên thùng xe ô tô đưa đi tiêu thụ.
Tại TP. Hà Giang còn một số bãi cát tập kết, kinh doanh cát trái phép đang hoạt động. Riêng HTX Định Lượng và Công ty TNHH Thanh Thủy khi chúng tôi vào làm việc đều khẳng định là có đầy đủ giấy phép khai thác khoáng sản Sông Lô, giấy phép kinh doanh, tập kết cát, sỏi… Tuy nhiên, khi đề nghị được xem các văn bản giấy tờ liên quan thì họ nói sẽ cung cấp sau.
Xẻ núi, mở đường, tự ý thành lập bãi tập kết cát trái phép ở xã Phương Tiến.
Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Theo báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang ngày 21/6/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang: Trên địa bàn TP. Hà Giang có 13 cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản tập trung ở phường Quang Trung, xã Phương Độ và Phương Thiện. Trong đó, có 12 cơ sở khai thác cát (5 cơ sở được cấp giấy phép khai thác, 4 cơ sở được cấp phép thăm dò, 3 cơ sở chưa được cấp phép), 1 cơ sở khai thác đá đã được cấp phép.
Tại thời điểm kiểm tra, 5/6 cơ sở có phép chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục cấp phép. 4 cơ sở được cấp phép thăm dò đoàn kiểm tra đã yêu cầu ngừng khai thác hoàn thiện thủ tục chờ UBND tỉnh cấp giấy phép. Riêng đối vớ 3 cơ sở khai thác cát, sỏi không có giấy phép, đoàn yêu cầu dừng hoạt động khai thác và yêu cầu di dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực khai thác trước ngày 15/6.
Huyện Vị Xuyên có 13 cơ sở khai thác cát, sỏi, trong đó 12/13 có sở khai thác cát, sỏi không phép. Đoàn kiểm ra đã yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và di dời máy móc thiết bị ra khỏi khu vực khai thác trước ngày 15/6. Tuy nhiên, cuối tháng 6, phóng viên ghi nhận vẫn còn nhiều cơ sở ngang nhiên khai thác cát trái phép. Ngày 19/7, vẫn còn nhiều bãi tập kết, vận chuyển cát, trong đó có cả máy móc, thiết bị vẫn hoạt động.
Sau ngày 30/6/2016, nhiều cơ sở khai thác cát sỏi không phép vẫn chưa di dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực khai thác theo yêu cầu của tỉnh Hà Giang.
Để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện Vị Xuyên bị buông lỏng, bộc lộ nhiều hạn chế chưa được khắc phục như: chưa kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra theo chỉ đạo của trên; chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý nhà nước; việc phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa áp dụng các mức phạt theo quy định, chưa mang tính răn đe đối với các cơ sở không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Ngày 28/6/2016, UBND tỉnh Hà Giang có Công văn hỏa tốc gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Giang, UBND huyện Vị Xuyên, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Chủ tịch UBND TP. Hà Giang chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giải tỏa dứt điểm các cơ sở khai thác cát, sỏi trái pháp luật trên địa bàn quản lý.
Công tác giải tỏa các cơ sở khai thác cát, sỏi trái phép thực hiện chậm nhất ngày 30/6/2016. Sau ngày 30/6/2016, các cơ sở khai thác cát sỏi không phép còn chưa đi dời máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực khai thác hoặc còn tái diễn hoạt động khai thác thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện (thành phố); Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Qua đây cho thấy, UBND tỉnh Hà Giang rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, quy rõ trách nhiệm đến Chủ tịch UBND xã, thị trấn; Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang vẫn còn tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển cát sỏi; máy móc, thiết bị vẫn chưa di dời khỏi khu vực khai thác.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang kiểm điểm làm rõ trách nhiệm Chủ tịch xã, thị trấn, Chủ tịch huyện Vị Xuyên, Chủ tịch thành phố Hà Giang khi đã không thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hoàng Văn
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.