Vụ việc 4 chiếc máy giặt, sấy có giá 2 tỷ đồng, bị nâng khống lên 12 tỷ đồng khi cung cấp cho các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã dấy lên nhiều bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết, nếu kết luận điều tra có sai phạm, sẽ xử lý nghiêm, không dung túng, bao che, né tránh đối với tập thể, cá nhân nào.
“Phù phép”
Sau khi có tờ trình của giám đốc các bệnh viện, Báo cáo thẩm định và đề xuất của của Sở Tài chính, tháng 11/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí để mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thạch Hà, BVĐK Can Lộc, BVĐK Đức Thọ và BVĐK Hương Sơn, mỗi bệnh viện 3,05 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào tháng 8/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ thêm 2,7 tỷ đồng cho BVĐK Nghi Xuân để mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy, phục vụ việc giặt giũ áo quần, chăn màn của bệnh viện.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư là các bệnh viện nói trên tổ chức mời thầu dưới hình thức đấu thầu rộng rãi.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, cả 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy chỉ duy nhất Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh (có trụ sở tại số 85, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) trúng thầu.
Theo Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm trang thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp của một trong 5 bệnh viện, danh mục hàng hóa gồm 1 máy giặt vắt, nhãn hiệu Model HSCW-ES35 và 1 máy sấy đồ vải nhãn hiệu Model HSCD-ES45, hãng sản xuất HS Cleantech, cùng xuất xứ Hàn Quốc. Cũng theo Quyết định này, giá đề nghị trên hợp đồng là 3 tỷ đồng. Trong đó máy giặt là 1,7 tỷ đồng, máy sấy là 1,3 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện nói trên đều được cung cấp 1 máy giặt công suất 35kg và 1 máy sấy công nghiệp có nhãn hiệu PAROS HS Cleantech, công suất 45kg, xuất xứ Hàn Quốc. Riêng BVĐK Nghi Xuân, do được phê duyệt kế hoạch mua sắm vào tháng 8/2019 (muộn hơn 9 tháng so với đợt 1) nên số tiền mua sắm gói thầu nói trên là 2,597 tỷ, trong đó máy giặt là 1,372 tỷ đồng, máy sấy là 1,225 tỷ đồng.
Giá nêu trên là giá trọn gói, đã bao gồm các loại thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước và các chi phí, bao gồm cả chi phí vận chuyển hàng hóa đến địa điểm theo yêu cầu của chủ đầu tư, chi phí lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, đào tạo, bảo hành hàng hóa, thiết bị.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, vào thời điểm tháng 9/2020, máy giặt công nghiệp Model HSCW-ES35, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ Hàn Quốc có giá cao nhất là 352 triệu đồng; máy sấy công nghiệp Model HSCD-ES45, hãng sản xuất HS Cleantech, xuất xứ từ Hàn Quốc có giá 182 triệu đồng.
Hai máy giặt, máy sấy công nghiệp nói trên có tổng giá trị trước thuế là 534 triệu đồng, giá trị sau thuế là 587,4 triệu đồng. Trong khi đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải chi ngân sách nhà nước từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng để mua một cặp máy tương tự.
Nhiều lỗ hổng
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, tạm giam Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh về tội “Trốn thuế”, liên quan đến vụ việc nâng khống thiết bị y tế từ 2 tỷ đồng lên đến 12 tỷ đồng.
Qua điều tra xác định, từ tháng 8 đến tháng 12/2018, bà Mai Thị Hoa, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy của Công ty cổ phần The One Việt Nam (địa chỉ TP Hà Nội, người đại diện pháp lý là ông Nguyễn Trung Dũng). Giữa hai bên thống nhất giá 1 bộ máy giặt, máy sấy là hơn 523 triệu đồng (đã tính thuế GTGT). Tổng số tiền mua 4 bộ máy giặt, máy sấy là 2,094 tỉ đồng.
Trong 4 bộ máy, chỉ có bộ máy lắp đặt cho BVĐK huyện Thạch Hà là có hóa đơn, còn các BVĐK Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn không có hóa đơn. Điều đáng nói, khi máy về đến các đơn vị bệnh viện, số tiền thực mua đã từ 2,094 tỉ đồng được nâng lên thành... 12 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa số tiền nâng khống, Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Bảo Anh (địa chỉ Hà Nội), với giá trị hợp đồng 10 tỷ đồng, sau đó Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bán lại cho 4 bệnh viện nói trên 12 tỷ đồng.
Quá trình lắp đặt vẫn do phía Công ty cổ phần The One Việt Nam thực hiện. Phía Công ty cổ phần The One Việt Nam xác nhận từ trước đến nay không có quan hệ mua bán gì với Công ty cổ phần Bảo Anh.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định trưng cầu giám định việc chấp hành pháp luật về thuế, nhằm xác định Công ty cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh có trốn thuế không? Số tiền trốn thuế là bao nhiêu?
Liên quan đến vụ mua sắm thiết bị y tế (TBYT) tại các bệnh viện tuyến huyện, một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu kết luận điều tra có các sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không dung túng, bao che, né tránh đối với tập thể, cá nhân nào.
Cụ thể, vị lãnh đạo này cho hay, tất cả các gói mua sắm thiết bị y tế đều được thông báo đấu thầu rộng rãi trên mạng, quy trình thẩm định giá đều được các cơ quan liên quan thẩm định, lựa chọn và trình UBND tỉnh phê duyệt theo dự toán.
Từ vụ án này đặt ra câu hỏi, có hay không việc buông lỏng thẩm định giá các loại TBYT lâu nay, lãnh đạo BV và những người trực tiếp liên quan việc đấu thầu có nắm được giá cả thực của TBYT “đắt đỏ bậc nhất” này? Hiện cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên, dư luận mong chờ sự xử lý nghiêm minh của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.