Nhiều cây mai vàng có tuổi thọ hàng trăm năm hoặc được tạo thế độc đáo và có hoa, nụ sum sê khiến người xem mê mẩn. Đáng chú ý nhất có “cụ mai” được định giá lên đến 5 tỷ đồng và một cây mai “Long mẫu sinh long tử” khiến hàng trăm người tìm đến xem.
Đặc sắc mai vàng – một biểu tượng cho ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Mai vàng là loại cây có tốc độ phát triển chậm. Vì lẽ đó, dù cây có đến hàng trăm năm tuổi thì thân hình cũng không hề to lớn như nhiều loại cây thân gỗ khác. Có “cao thủ” chơi mai ví von thân hình của loại cây này rắn rỏi và có sự hấp dẫn như những vận động viên thể dục.
“Quan trọng là tuổi đời, dáng, thế rồi hoa. Trong đó nhất là tuổi đời của nó (cây mai), dù có đến hàng trăm năm tuổi những thân hình của mai vẫn luôn rắn rỏi và nếu chăm sóc tốt nó không có biểu hiện già đi hay sâu bệnh. Nếu mọc ở tự nhiên chúng cũng rất khỏe, ít khi bị bệnh và tuổi thọ cao lắm”, một người thợ chăm sóc mai lâu năm cho biết.
Nhiều người lý giải rằng, có đến hàng trăm năm tuổi nhưng thân hình lại rất “thanh xuân” và hoa thì có cánh mềm mại, màu vàng tươi tắn và hương thoảng nhẹ đặc trưng... khiến cho người xem cứ ngỡ như loài cây này là biểu tượng cho sự trường tồn, thanh tao và tạo cho người ta cảm giác tươi sáng, tích cực.
Trong dân gian có quan niệm rằng, hoa mai thường nở vào mùa xuân và có màu vàng tươi – màu tượng trưng cho sự quyền quý, hưng thịnh; đặc biệt, nếu trong nhà có hoa mai nở vào sáng ngày đó sẽ là dấu hiệu báo sự may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó.
Kinh nghiệm của nhiều người cũng cho biết rằng, lúc xưa, nhiều nhà Nho học chơi mai rất công phu, họ chăm sóc, tính toán kỹ càng để mai nở vào dịp tết để nhận những hoan hỉ, tươi vui trong năm mới.
“Cụ mai” 300 năm tuổi được định giá 5 tỷ đồng
Theo ghi nhận, nhà hàng Không Gian Xưa gốc mai thuộc hàng “khủng”. Trong số đó, có cây mai được người chơi định giá lên đến... 5 tỷ đồng.
Nhiều người phân tích rằng, sở dĩ có giá trị cao như vậy bởi lẽ “cụ mai” ở đây đáp ứng được nhiều tiêu chí như tuổi thọ, thế cây, nụ, hoa… Với đường kính phần thân của “cụ mai” có đoạn lên đến 80cm, nhiều thợ kinh nghiệm phỏng đoán cây này có tuổi thọ khoảng 300 năm; thêm vào đó, ngoài thân cây thẳng đứng, cứng cáp, các cành được mọc sum sê tạo cảm giác mạnh mẽ, đủ đầy; nụ được kết thành từng chùm lớn có mức độ phát triển theo kiểu kế tiếp nhau hứa hẹn một mùa hoa mai khoe sắc trong cả hàng tháng trời.
Đa số người chơi mai có kinh nghiệm lâu năm đều cho rằng, để xác định tuổi thọ của mai là hết sức khó khăn và thường không thể chính xác tuyệt đối, tuy nhiên, với đường kính thân cây “khủng” việc đoán định “cụ mai” này khoảng 300 tuổi là hợp lý.
Bên cạnh “cụ mai”, trong không gian nhà hàng này cũng có nhiều gốc mai giá trị hàng tỷ hoặc hàng trăm triệu đồng. Thời tiết thuận lợi và với việc được chăm sóc cẩn thận, những gốc mai ở đây đang hứa hẹn sẽ nở hoa rộn ràng đúng dịp Tết Nguyên đán.
Cây mai khiến nhiều người vượt hàng trăm km về xem và xin mua
Làng mai cảnh Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền – nơi đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào đầu năm 2019. Điều đó đã cho thấy sự nổi trội của việc trồng mai vàng ở đây so với các vùng còn lại.
Cây mai cảnh là sản phẩm nổi bật, gắn liền với văn hóa và không thể thiếu trong mỗi gia đình ở làng quê này. Mai ở đây được tạo theo các thế mang đậm nét đặc trưng văn hóa, thương hiệu của Làng mai Thế Chí Tây như “Long lượn”, “Long mẫu sinh long tử”, “Long thăng”. Những ngày giáp tết, nơi đây càng nhộn nhịp hơn nhiều bởi khách ở tứ phương về xem và mua mai chơi tết.
Thời điểm hiện tại, cây mai của ông Nguyễn Đăng Hùng (65 tuổi) với thế “Long mẫu sinh long tử” có thể xem là đẹp nhất nhì tại xã Điền Hòa. Được truyền tai nhau, cây mai đã nổi tiếng nhiều nơi khiến nhiều người không quản xa xôi lặn lội về xem và trả giá mua.
Bà Đặng Thị Uyên (63 tuổi – vợ ông Hùng cho biết) người ngã giá cao nhất cho cây mai nhà bà là 400 triệu; tuy nhiên, do ông Hùng quá yêu mến cây này nên không có ý định bán.
Mặc dù nghề nghiệp chính của ông Hùng là làm thợ xây và làm nông nhưng bà Uyên cho biết, ông Hùng dành rất nhiều thời gian cho việc trồng cây cảnh đặc biệt là giống mai vàng nổi tiếng của địa phương.
Người vợ của ông Hùng còn cho biết rằng, gia đình đã từng bán cây mai có giá lên tới 110 triệu đồng và nhiều cây khác có mệnh giá hàng chục triệu đồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.