Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2019 | 15:52

Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá: Cần sự đồng bộ và giải pháp cụ thể

Trong năm 2018, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu thuốc lá trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao.

anh.jpg
Ngày 4/6/2019, tại khu vực mương Thốt Nốt (khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 3.800 gói thuốc lá lậu. Ảnh: Công Mạo

 

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh chống buôn lậu trong đó có trống buôn lậu thuốc lá đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phòng chống. Tuy nhiên, số vụ buôn lậu thuốc lá bị phát hiện, bắt giữ còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Theo các chuyên gia, những tháng cuối năm, tình trạng buôn bán bất hợp pháp này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Và để ngăn chặn triệt để, cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ và có giải pháp thiết thực hơn nữa.

Diễn biến phức tạp

Sau khi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, các hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh (hàng cấm) là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã tác động mạnh đến đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuê. Các đối tượng luôn theo dơi t́nh h́nh bắt giữ và xử lư h́nh sự nên đã hạn chế vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới với số lượng lớn như trước đây mà chỉ chia nhỏ lẻ để vận chuyển thành nhiều lần trong ngày.

Tuy vậy, từ thời điểm tháng 4/2018 đến nay, trên cả nước, đặc biệt các địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tây Nam Bộ đã xảy ra hàng loạt các vụ buôn lậu thuốc lá lớn với thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống lại lực lượng khi bị truy bắt, vì các đối tượng nhận thức được khi bị bắt giữ sẽ bị xử phạt rất nặng.

Nguyên do các đối tượng hoạt động mạnh trở lại một phần do sau một thời gian theo dõi thông tin về các vụ bắt xử lý hình sự nhưng có ít trường hợp bị bắt giữ với số lượng lớn được đưa ra xét xử công khai. Một phần do các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt, tình hình buôn lậu được kiểm soát, kiềm chế chỉ trong từng thời điểm; nhiều địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, vẫn chưa đồng bộ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc các đối tượng buôn lậu bất chấp sự truy bắt của các lực lượng chức năng vẫn đưa thuốc lá lậu vào thị trường nội địa là do lợi nhuận lớn từ buôn lậu thuốc lá mang lại, vì trốn thuế. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân đối với thuốc lá điếu nhập lậu (chủ yếu thuốc lá Jet, Hero, 555) còn cao do phù hợp về giá,  thị hiếu,... Qua thăm hỏi các điểm bán lẻ thuốc lá  thấy, do nhiều người hút hỏi mua thuốc Jet, Hero, 555… nếu không bán sợ mất khách hàng (lợi nhuận của các điểm bán lẻ đến người tiêu dùng cũng không cao so với thuốc lá sản xuất nội địa).

Theo thông tin của các lực lượng chức năng, hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu trên địa bàn các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Campuchia đang gia tăng, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Công tác chống buôn lậu thuốc lá dự báo còn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức lớn hơn, khi đầu năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%. Cùng với đó, theo dự thảo lần hai của Bộ Tài chính về phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ tăng lên 80% và tối đa 2.000 đồng/gói vào năm 2020. Khi đó, giá thuốc lá trong nước sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá thuốc lá nhập lậu. Nếu trong thời gian tới, các cơ quan quản lý không có giải pháp đồng bộ ngăn chặn thì tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu sẽ ngày càng gia tăng (đặc biệt là thuốc lá nhập lậu giá rẻ dưới 10.000 đồng/bao vì hiện tại 54% thị phần thuốc lá tại Việt Nam là sản phẩm phổ thông cấp thấp có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao).

Để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này, Chính phủ đã có Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai chuyên đề có trọng điểm. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong hai năm 2017 - 2018, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã bắt giữ gần 3 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ đầu năm đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu giảm so với những năm trước.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng tình hình thực tế, chưa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực tế.

 

2.jpg
Tiêu hủy thuốc nhập lậu.

 

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn này là do buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận. Cùng với đó, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam. Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh...

Tăng cường phối hợp

Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.

Ngoài ra, do hiện nay, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân sống quanh khu vực biên giới, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, giải pháp căn cơ và dài hạn đẩy lùi vấn nạn này là đảm bảo công ăn việc làm cho người dân nơi đây, để họ không tiếp tay cho buôn lậu. Trong ngắn hạn, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị cho bản thân lực lượng chống buôn lậu, tránh tuyệt đối tình trạng  bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng (Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Công an, QLTT, Thanh tra chuyên ngành) tăng cường thanh tra, kiểm tra; phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top