Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 6 năm 2015 | 2:37

Ngân hàng An Bình “gian dối” hòng đẩy khách hàng vào vòng lao lý?

Báo cáo không trung thực những gì diễn ra trên hệ thống T24, Ngân hàng An Bình đang có dấu hiệu tiếp tay đẩy khách hàng vào vòng lao lý.

Ngày 09/7/2013, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) có Công văn số 545/CV-SGD.A3 gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh nhằm cung cấp thông tin về các giao dịch của khách hàng Nguyễn Thị Bạch Tuyết, trú tại phường 7, quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, công văn của Ngân hàng An Bình lại phản ánh, suy diễn “sai lệch” thông tin thực tế thể hiện trên hệ thống T24 của chính ABBANK.

Công văn 545 của Ngân hàng An Bình nêu: Trong ngày 02/2/2010, tại Ngân hàng An Bình – Phòng giao dịch Cộng Hòa (TP. Hồ Chí Minh), bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết sử dụng séc AB 06662 để rút tiền mặt với số tiền là 1,065 tỷ đồng từ tài khoản 0861000082002 của Công ty TNHH Đại Hồng Tùng, giao dịch được duyệt trên hệ thống T24 của ABBANK lúc 10 giờ 55 phút;

Đồng thời, bà Tuyết nộp tiền mặt số tiền 970 triệu đồng (để chuyển đến 3 tài khoản khác nhau) giao dịch được duyệt trên hệ thống T24 của ANBANK lúc 10 giờ 43 phút ngày 02/2/2010.

Công văn không đúng với thực tế diễn ra của Ngân hàng An Bình khiến khách hàng lâm  vào vòng lao lý. Ảnh internet

Ngân hàng An Bình cho rằng: bà Tuyết đã thực hiện giao dịch rút séc lĩnh tiền mặt số tiền là 1,065 tỷ đồng, sau đó, dùng số tiền này nộp lại 970 triệu đồng để thực hiện chuyển đến 3 tài khoản khác nhau.

Từ văn bản trên của Ngân hàng An Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Hồ Chí Minh mới đưa ra nhận định trong Kết luận Điều tra vụ án số 319-25/KLĐT-PC46(Đ9) ngày 29/7/2014 rằng: "Như vậy, Tuyết khai rằng số tiền sau khi chuyển về tài khoản của Công ty TNHH Đại Hồng Tùng được Tuyết  rút ra để trả lại cho ông Yee Lip Chee là không đúng sự thật, các lần tiếp theo được Tuyết rút tiền mặt ra sau đó mang đến Ngân hàng ANZ gửi vào tài khoản của Tuyết và một số ngân hàng khác như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam…".

Tuy nhiên, tài liệu thể hiện trên hệ thống T24 của chính ABBANK do Ngân hàng An Bình cung cấp lại thể hiện điều ngược lại: bà Tuyết chuyển tiền đi trước rồi mới thực hiện lệnh rút tiền.

Cụ thể, trên hồ sơ của ABBANK thể hiện: Ngày 02/2/2010, lúc 09 giờ 10 phút, bà Tuyết chuyển 30 triệu đồng vào một tài khoản Ngân hàng BIDV chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; đến 9 giờ 12 phút ngày 02/2/2010, bà Tuyết thực hiện lệnh chuyển 900 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng ANZ; đến 9 giờ 14 phút bà Tuyết chuyển số tiền 40 triệu đồng vào một tài khoản Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Mỹ Đình – Hà Nội.

Tại phiên tòa ngày 29/5/2015, đại diện Ngân hàng An Bình thừa nhận nội dung trên các phiếu chuyển tiền, rút tiền, kê mệnh giá tiền đều là thật, chữ ký thật của giao dịch viên Đoàn Thiên Kim và dấu thật của Ngân hàng. Ảnh: Nguoiduatin.

Cũng theo hệ thống T24 của ABBANK, đúng 1 giờ 45 phút sau khi thực hiện xong các lệnh "chuyển tiền", lúc 10 giờ 55 phút cùng ngày bà Tuyết mới thực hiện lệnh "rút số tiền" 1,065 tỷ đồng từ tài khoản Công ty Đại Hồng Tùng.

Không chỉ về mặt thời gian chứng minh việc “02 khoản tiền chuyển và rút là khác nhau”, tài liệu do Ngân hàng An Bình cung cấp cũng thể mệnh giá tiền chuyển đi và rút cũng khác nhau.

Cụ thể, trên Bảng kê các loại tiền ngày 02/2/2010 của khách hàng Nguyễn Thị Bạch Tuyết phần “nộp chuyển đi” có mệnh giá 1.000 tờ 500.000 nghìn đồng (thành tiền 500 triệu đồng) và 4.000 tờ 100 nghìn đồng (thành tiền 400 triệu đồng).

Phần kê Tuyết chuyển đi 40 triệu cũng có mệnh giá 400 tờ 100 nghìn đồng; phần chuyển đi 30 triệu đồng cũng kê có mệnh giá 300 tờ 100 nghìn.

Trong khi đó, phần kê “rút séc” ghi mệnh giá tiền gồm có: 2.000 tờ 500 nghìn đồng (thành tiền 1 tỷ đồng), 150 tờ 100 nghìn đồng (thành tiền 15 triệu đồng) và 1.000 tờ 50 nghìn đồng (thành tiền 50 triệu đồng).

Lúc này, bài toán “lớp 3” đặt ra đối với Ngân hàng An Bình và Cơ quan CSĐT là:

1. Đối với mệnh giá 500 nghìn đồng: phần tiền bà Tuyết “rút séc” lên tới 2.000 tờ, trong khi đó chỉ chuyển đi có 1.000 tờ. Vậy, 1.000 tờ 500 nghìn đồng bà Tuyết còn thừa để đâu?

2. Đối với mệnh giá 100 nghìn đồng: bà Tuyết rút séc có 150 tờ, trong khi đó chuyển đi lên tới 4.700 tờ. Vậy, thử hỏi bà Tuyết lấy đâu ra ngay tức thì 4.550 tờ tiền mệnh giá 100 nghìn đồng?

3. Đối với mệnh giá 50 nghìn đồng: bà Tuyết “rút séc” được 1.000 tờ, trong khi đó không có việc chuyển tiền đi. Vậy 1.000 tờ 50 nghìn đồng bà Tuyết còn thừa để đâu?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định: "Từ 02 căn cứ trên, có cơ sở vững chắcđể cho rằng "02 khoản tiền chuyển đi và rút về là khác nhau", dó đó, Cơ quan CSĐT không thể căn cứ vào đây để buộc tội bà Tuyết được".

Ngày 29/5/2015, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa vụ án lừa đảo, chiếm đoạt 12,7 tỷ đồng tại Công ty L&M Việt Nam ra xét xử. Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng An Bình không giải thích được Công văn số 545/CV-SGD.A3 gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh ngày 09/7/2013 mà ngụy biện cho rằng “đây là văn bản của sếp ký, nên không biết”.

Đại diện Ngân hàng An Bình, giao dịch viên Đoàn Thiên Kim thừa nhận nội dung trên các phiếu chuyển tiền, rút tiền, kê mệnh giá tiền đều là thật, chữ ký thật của bà Kim và dấu thật của Ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao Ngân hàng An Bình không trung thực với chính tài liệu, hệ thống máy tính của mình mà lại đi "suy diễn" theo hướng sai sự thật? Động cơ nào khiến Ngân hàng An Bình ban hành văn bản gây khó khăn và “tiếp sức” đẩy khách hàng vào vòng lao lý?

Phân tích về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội), cho rằng: Nếu có đủ căn cứ khẳng định Ngân hàng An Bình cung cấp tài liệu sai sự thật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra thì có thể khởi tố vụ án ngân hàng này.

Bởi, Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 307 quy định: Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật ghi rõ:

1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Luật sư Kiệm cho biết thêm, một trong những căn cứ của Cơ quan CSĐT để khởi tố bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết về tội lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 12,7 tỷ đồng là tài liệu do Ngân hàng An Bình cung cấp. Vì vậy, nếu Ngân hàng An Bình cung cấp sai sự thật thì có thể căn cứ vào khoản 3, Điều 307, Bộ luật Hình sự để khởi tố vụ án tại ngân hàng này.

Hải Minh-Duy Phong/GDVN

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top