Nhiều tháng trôi qua, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có kết luận về vụ Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji huy động vàng, trả lãi.
Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, vào tháng 9/2015, bà Trần Như My - Giám đốc Kinh doanh vàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji đã ký văn bản gửi cho khách hàng với nội dung “thông báo về việc lãi suất vay vốn bằng Vàng”.
|
Doji có được phép huy động vàng, trả lãi? |
Theo văn bản này, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji thông báo, kể từ ngày 14/9/2015 cho đến khi có thông báo mới, Doji thực hiện vay vốn bằng vàng của khách hàng theo hợp đồng vay vàng với lãi suất thỏa thuận, nhưng tối đa không quá các mức lãi suất và theo các quy định.
Về quy định đi kèm, Doji đưa ra một số quy định như: Mức Doji vay tối thiểu 5 lượng vàng SJC đối với một Hợp đồng vay vốn; Khách hàng không thanh lý hợp đồng trước thời hạn; Khách hàng có trách nhiệm đến các địa điểm giao dịch của Doji để thanh lý Hợp đồng vay vàng; Ngoài ra còn một số điều khoản khác…
Nếu chưa được cho phép, DOJI huy động vàng - trả lãi là trái pháp luật!
Đó là khẳng định của Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Theo luật sư Thắng, thông tư số 11 ngày 29/04/2011 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động, cho vay vàng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI là doanh nghiệp, không phải tổ chức tín dụng, nên họ không thuộc diện điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật này.
|
Văn bản chứng minh Doji huy động vàng |
Tuy nhiên, theo khoản 9, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định rõ: Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được TTCP cho phép và được NHNN cấp Giấy phép.
Như vậy, nếu Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji thực hiện việc huy động vàng - trả lãi khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và NHNN cấp Giấy phép là trái pháp luật. Đồng nghĩa, các giao dịch này giữa Doji với khách hàng không được pháp luật thừa nhận. Và đương nhiên, khách hàng sẽ là bên "chịu thiệt" khi tiềm ẩn các nguy cơ "rủi ro".
Cũng theo luật sư Thắng, việc huy động vàng - trả lãi của Doji nếu đúng như phản ánh trong khi chưa có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và được NHNN cấp Giấy phép, thì doanh nghiệp này đã vi phạm Điều 12 và Điều 16 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang xác minh
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, một đại diện truyền thông của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji không phủ nhận việc Doji đã huy động vàng. Nhưng theo lí giải của vị này, trong thông tư 11 có kê ra các lĩnh vực kinh doanh vàng có điều kiện nhưng không có văn bản nào nói rõ việc huy động vàng.
“Doji cũng đang làm việc với cơ quan quản lý và đang chờ kết luận đúng sai thế nào, khi có kết luận của thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Doji sẽ có thông cáo gửi các cơ quan báo chí”, vị đại diện truyền thông của Doji nói.
Sự việc trên đã xảy ra khá lâu nhưng trao đổi với phóng viên, cán bộ truyền thông của Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện Ngân hàng vẫn đang xác minh, chưa có kết quả. Khi nào có sẽ thông tin.
Không rõ việc xác minh Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji huy động vàng, trả lãi có gì phức tạp mà khiến Ngân hàng Nhà nước mất nhiều thời gian như vậy, hay có gì “khúc mắc” phía sau chuyện này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo báo Chất lượng Việt Nam
KTNT