Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 10 năm 2015 | 8:0

Ngân hàng TMCP Quân đội bị tố khóa tài khoản của khách hàng mà không báo trước

Theo phản ánh của khách hàng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã tự ý trừ tiền; tự ý khóa tài khoản khi chưa thông báo cũng như nêu rõ lý do; thái độ phục vụ của nhân viên thiếu chuyên nghiệp...

Bà Vi Thị Hoài Thu, chủ tài khoản: 0560122298006 tại MB - TP. Hà Nội phản ánh: Vào khoảng 9 giờ ngày 25/9/2015, bà ra MB Chi nhánh Phạm Văn Đồng để rút số tiền 3.000.000 đồng (số tiền trước khi rút bà Thu còn 3.667.526 đồng - PV). Tuy nhiên, sau khi rút tiền, ngân hàng không những không trừ đi số tiền vừa rút, ngược lại bà Thu còn được cộng thêm 3.000.000 đồng vào tài khoản.

Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 50 phút, bà Thu nhận được tin nhắn MBBank thông báo tài khoản của bà tăng lên 6.667.526 đồng. Không biết đây là số tiền thật hay ảo nên bà Thu thử chuyển đi 3.000.000 đồng sang một tài khoản khác để kiểm tra thì tin nhắn từ MBBank thông báo chuyển thành công, bà Thu mới tin số tiền trong tài khoản của mình là có thật (lúc này trong tài khoản bà Thu còn 3.667.526 đồng).

Bà Thu phản ánh, MB tự ý trừ tiền; tự ý khóa tài khoản của bà khi chưa thông báo cũng như nêu rõ lý do trừ tiền, khóa tài khoản...

Khoảng 17 giờ 43 phút (tức sau khoảng 8 giờ bà Thu rút tiền nhưng không bị trừ, ngược lại còn được cộng thêm 3.000.000 đồng), bà Thu tá hỏa khi MBBank thông báo bị trừ đi 3.000.000 đồng (lúc này trong tài khoản của bà Thu còn hơn 600.000 đồng). Sau đó, một người phụ nữ tên là Dung gọi đến giới thiệu là người của ngân hàng thông báo về việc trừ tiền cũng như mời bà Thu ra phòng giao dịch ký vào giấy ủy nhiệm chi.

Hợp tác với phía ngân hàng, khoảng 18 giờ 40 phút, bà Thu ra phòng giao dịch ký vào giấy ủy nhiệm chi với nội dung: “Khi nào tài khoản của tôi đủ 3.000.000 đồng thì ngân hàng trừ và trước khi trừ ngân hàng sẽ thông báo cho tôi”. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng vẫn giục bà Thu đi vay tiền để thứ 2 ra nộp cho ngân hàng.

Khoảng 20 giờ cùng ngày (25/9/2015), bà Dung dùng số điện thoại cá nhân gọi cho bà Thu tiếp tục giục bà Thu đi vay tiền để nộp bổ sung 3.000.000 đồng.

Bà Thu phản ánh, ngày 25/9/2015, MB đã tự ký trừ 3.000.000 đồng trong tài khoản của bà.

Đến khoảng 9 giờ 9 phút sáng 26/9/2015, bà Thu nhận được tin nhắn từ MBBank thông báo trả lãi số tiền gửi + 583 đồng nhưng trong tài khoản của bà Thu lại âm 2.382.891 đồng. Bỗng dưng thấy số tiền bị âm, bà Thu ra kiểm tra tài khoản thì hệ thống báo không thực hiện được giao dịch vì không đủ số dư. Ngay sau đó, bà Thu ra phòng giao dịch hỏi thì được nhân viên cho biết, khóa tài khoản và do sơ suất nên chưa thông báo với bà Thu.

Bà Thu thắc mắc tại sao tài khoản của bà bị âm, nhân viên ở đây cho biết sẽ kiểm tra lại và hứa muộn nhất vào thứ 2 sẽ thông báo lại. Lúc này bà Thu thắc mắc việc mình phải bỏ công việc để gặp ngân hàng, thì nhân viên MB đáp: “Công việc của mỗi người, cái này chị không quan tâm”.

Vào khoảng 17 giờ 52 phút ngày 16/10/2015, bà Thu có đủ 3.000.000 đồng trong tài khoản và MB đã tự ý trừ số tiền này. Trước khi trừ, tài khoản của bà Thu còn 4.279.349 đồng.

Nhưng đến 8 giờ 39 phút ngày 19/10/2015, nhân viên MB mới gọi điện thông báo sẽ trừ số tiền còn lại. Bà Thu cho biết, phía ngân hàng tự ý trừ trước đó nhưng lại khẳng định chưa trừ.

Đến khoảng 13 giờ 42 phút, tin nhắn MBBank báo trừ 3.000.000 đồng chuyển đến Đào Thị Dung.

Tài khoản bà Thu bị âm tới 2.382.891 đồng ngày 26/9.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bà Thu đề nghị: “Cần làm rõ việc MB tự ý trừ tiền, khóa tài khoản của tôi khi không có thông báo và nói rõ lý do. MB nên thẳng thắn nhận thiếu sót, đồng thời công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Theo tài liệu bà Thu cung cấp thì tin nhắn MBBank báo về cho bà Thu vào hơn 9 giờ ngày 26/9/2015, số tiền bị âm 2.382,891 đồng. Tuy nhiên, trong sổ hạch toán chi tiết của tài khoản in tại MB Chi nhánh Hoàng Quốc Việt lại không thể hiện âm 2.382.891 đồng. Ngày 16/10/2015, trong tài khoản của bà Thu còn 4.279.349 đồng như bà Thu phản ánh là đúng. 

Để có thông tin khách quan, chiều 22/9/2015, phóng viên đã đến MB liên hệ làm việc. Tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên viên Phòng Truyền thông tiếp nhận và cho biết sau năm ngày, tức vào ngày 28/10/2015, sẽ phản hồi ý kiến. Ngày 26/10, phóng viên liên hệ với bà Thủy để hẹn lịch làm việc cụ thể vào ngày 28/10 nhưng bà cho biết sẽ xin ý kiến và trả lời trong ngày 26. Tuy nhiên, MB lại thất hứa với phóng viên khi đến chiều 28/10, ngân hàng mới phản hồi qua e-mail.

Phía MB thất hứa với phóng viên trong vấn đề đặt lịch làm việc để làm rõ những nội dung bà Thu phản ánh.

Điểm b, Khoản 1, Điều 17 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 08 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân hàng cung cấp dịch vụ được phong tỏa tài khoản thanh toán của khách hàng khi: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền”. Trong trường hợp của bà Thu, MB được quyền phong tỏa tài khoản. Nhiều ý kiến cho rằng, không phải vì thế mà MB thiếu tôn trọng khách hàng khi phong tỏa tài khoản mà không thông báo trước.

Báo Kinh tế nông thôn tiêp tục thông tin tới bạn đọc./.

Hoàng Văn

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top