Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 12 năm 2015 | 12:37

Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam thiệt hại hơn 15.370 tỷ đồng

Lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí là Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân, gây thiệt hại cho VNCB số tiền lên tới hơn 15.370 tỷ đồng.

Ngày 1-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tiến hành tống đạt kết luận điều tra vụ án “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đến các bị can và chuyển giao hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp để sớm đưa các đối tượng ra xét xử.

Phạm Công Danh và đồng bọn gây thiệt hại cho VNCB số tiền lên tới hơn 15.370 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT đã đề nghị truy tố 7 bị can nguyên là các cán bộ lãnh đạo của VNCB tội “cố ý làm trái…” và “vi phạm quy định về cho vay” gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng và Bạch Quốc Hà. 4 bị can bị đề nghị truy tố về tội “cố ý làm trái…” gồm Phạm Việt Thép (Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ và TM JSC An Phát), Trần Văn Bình (TGĐ Công ty Trug Dung), Nguyễn Thị Kim Vân (TGĐ Công ty Hương Việt) và Lê Công Thảo (Giám đốc trung tâm CNTT Ngân hàng VNCB). Ngoài ra, còn có 25 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay…”

Theo Kết luận điều tra, Ngân hàng VNCB được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu ngày 6-9-2012. Phạm Công Danh đã nắm kiểm soát, chi phối VNCB. Trong khi ngân hàng này đang bị ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát – Ngân hàng Nhà nước mới được thông qua.

Do có nhu cầu cần tiền đê sử dụng, Phạm Công Danh lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí là Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB đã chỉ đạo thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.

Sai phạm xảy ra tại Ngân hàng VNCB khiến ngân hàng này bị Nhà nước mua lại với giá 0 đồng

Ngoài Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh còn lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ những người thân, quen của mình đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB (nhóm cổ đông chi phối chiếm 84,92%). Kết quả điều tra xác định Phạm Công Danh là “ông chủ” duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp có liên quan.

Theo cơ quan công an, đến nay đã có đủ căn cứ xác định Phạm Công Danh và các đồng phạm liên quan đến hành vi rút số tiền gần 12.058 tỷ đồng của ngân hàng VNCB dưới các hình thức nâng cấp Corebanking, thuê trụ sở, ủy thác đầu tư, rút 5.190 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản và 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB gần 9.134 tỷ đồng.

Cụ thể, lập hồ sơ không về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho ngân hàng xây dựng gần 62,3 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành (P.15, Q.10, TP.HCM) gây thiệt hại cho VNCB 181,6 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh (P12, Q10) gây thiệt hại cho VNCB 400 tỷ đồng…

Ngoài ra, Phạm Công Danh và các đồng phạm có liên quan còn rút tiền của Ngân hàng VNCB thông qua ba ngân hàng khác gồm Sacombank, TPbank và BIDV gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB 6.236,1 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi phạm tội này của Phạm Công Danh và các đồng phạm có liên quan đến trách nhiệm của 3 ngân hàng Sacombank, TPbank và BIDV nên cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định tác vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top