Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 10 năm 2009 | 10:57

Ngành cơ khí nông nghiệp bao giờ "bừng tỉnh"?

Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ là cơ hội để chúng ta nhìn lại quá trình cơ giới hóa nông nghiệp mà còn nhận ra một thực tế đáng buồn, dù là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng ngành cơ khí phục vụ lĩnh vực này lại chậm phát triển và khó áp dụng vào thực tế sản xuất. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam.Là nước nông nghiệp với phần đông dân số sống bằng nghề nông, nhưng nhiều năm qua, việc cơ giới hoá nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu tính theo công suất của các loại máy, trung bình nước ta mới có 1,16 mã lực/ha canh tác, bằng một nửa so với các nước đang phát triển.

Có một thực tế không thể phủ nhận là nền cơ khí nông nghiệp của nước ta còn thấp kém so với các nước trong khu vực. Tôi lấy ví dụ, lâu nay lĩnh vực trồng trọt luôn được coi là “anh cả” trong việc áp dụng cơ giới hoá khâu làm đất, nhưng cũng chỉ đạt 70%. Trong trồng lúa, hiện mới chỉ cơ giới hoá khâu thu hoạch bằng máy gặt rải hàng và máy gặt đập liên hợp. Trong lĩnh vực bảo quản, trang thiết bị sấy và kho bảo quản của chúng ta cũng rất thiếu. Các doanh nghiệp chủ yếu thu mua gạo và xuất khẩu, chứ chưa đầu tư nhiều vào khâu chế biến, sấy. Chính vì thế, khi xay xát, tỷ lệ gãy nát cao khiến giá gạo xuất khẩu của ta luôn thấp hơn so với Thái Lan...

Nguyên nhân chính của vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp ra sức kêu gọi nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa để có điều kiện áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Nhưng đa phần ruộng đồng vẫn manh mún, mỗi hộ “sở hữu” mấy thửa ruộng ở những cánh đồng, ô thửa khác nhau nên khó thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp. Một nguyên nhân khác nữa là do đời sống nông dân còn khó khăn, bà con chưa có đủ lực để đầu tư máy móc.

Mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách phát triển ngành cơ khí nhưng chưa thực sự tạo được bước đột phá. Chính phủ đưa ra 24 dự án đầu tư nhưng thực tế chỉ có 2 dự án được thực hiện, còn lại không có tính khả thi. Đồng thời, khi các doanh nghiệp đứng ra vay vốn thì không ngân hàng nào đồng ý vì khả năng trả nợ của họ không cao nếu hàng không tiêu thụ được. Điều này cho thấy, Nhà nước chưa thực sự tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.

Nghĩa là muốn cơ giới hoá nông nghiệp, chúng ta phải vượt qua nhiều thách thức?

Đúng thế. Để cơ giới hoá nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, có một số vấn đề lớn cần giải quyết. Đó là, sản xuất áp dụng cơ giới đòi hỏi phải trang bị máy móc hiện đại ở tất cả các khâu từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến sau thu hoạch. Hơn 20 năm đổi mới, ở một số địa phương, khâu làm đất và thu hoạch đã có sự tham gia của máy móc, thay thế dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Xây dựng nền sản xuất cơ khí nông nghiệp không thể thực hiện được từ hai bàn tay trắng. Nghĩa là, để đầu tư hệ thống máy móc hiện đại cần tới lượng vốn khổng lồ. Thách thức này sẽ đến ngay lập tức khi chúng ta bắt tay vào thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là khi đã có máy móc, thiết bị, ai sẽ làm chủ chúng? Câu trả lời là không có ai. Bởi lẽ, bảo thủ, lạc hậu vốn là tính cố hữu của nông dân, họ sẽ khó tiếp thu được kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, trong khi lực lượng lao động trẻ ở lại với ruộng đồng phần lớn là học hành dang dở. Còn lại, một bộ phận được đi học thì hầu như không quay về quê hương. Cuối cùng, để cơ khí hoá nông nghiệp, chúng ta không thể trông chờ vào sản phẩm và công nghệ của nước ngoài. Điều đó có nghĩa, ngành cơ khí trong nước phải đi trước một bước. Song tiếc thay, ngành cơ khí của Việt Nam lại quá “im hơi, lặng tiếng”.

Theo ông, để khắc phục những điểm yếu này, cần phải thực hiện những giải pháp gì?

Theo tôi, cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, máy chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước, từng bước xuất khẩu. Nhà nước cần khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tham gia chế tạo thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức.

Muốn đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, Nhà nước cần chú trọng 3 chính sách. Chính sách về ruộng đất: trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng cần hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư (doanh nghiệp) và nông dân. Chính sách giá cả: cần phải hỗ trợ làm giảm giá thành máy nông nghiệp, bao gồm khâu thiết kế, chế tạo và mua sắm. Nhà nước cần trợ giá cho các hoạt động này. Và chính sách đào tạo nông dân: Cần có cơ chế đào tạo nông dân cách thức sử dụng, bảo dưỡng máy móc. Chương trình đào tạo phải được thực hiện miễn phí để bà con có điều kiện trang bị kiến thức.

Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy nông nghiệp của Chính phủ chỉ thực hiện trong thời gian ngắn trong khi đầu tư cho nông nghiệp là cả một quá trình lâu dài, vì thế Nhà nước phải coi chương trình này là chiến lược quốc gia, nên kéo dài trong nhiều năm.

Xin cảm ơn ông!

Thuý Nga (thực hiện)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top