Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) của huyện có nhiều nét nổi bật như kỷ cương, nề nếp toàn ngành ổn định. Kết quả thi học sinh giỏi luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Tiến Đức, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) của huyện có nhiều nét nổi bật như kỷ cương, nề nếp toàn ngành ổn định. Kết quả thi học sinh giỏi luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Tham gia đầy đủ các cuộc thi, các cuộc vận động, đặc biệt trong năm học 2016 - 2017, Yên Phong tiếp tục giữ vững kết quả mũi nhọn ở tốp đầu của tỉnh, có 9 giải quốc gia mạng, 1 giải quốc gia giải toán bằng máy tính Casio, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật có 5 giải cấp tỉnh; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tốt, đảm bảo an toàn. Chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến, kết quả thi vào lớp 10 THPT tăng 2 bậc.
Xây dựng cơ sở vật chất trường học, trường chuẩn quốc gia có nhiều khởi sắc, nhiều địa phương đang tích cực đầu tư, xây dựng. Đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 44/48 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 91,7%.
Trong 2 năm học liên tiếp (2015 - 2016, 2016 - 2017), Phòng GD & ĐTđược công nhận: Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh.
Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã được chú trọng như thế nào, thưa ông?
Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo luôn được Phòng GD&ĐT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm chỉ đạo. Để nâng cao chất lượng, Phòng đã tập trung nhiều các giải pháp như: Động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ; tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi kiểm tra kiến thức giáo viên…
Kết quả là, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên có nhiều chuyển biến; tỷ lệ cán bộ, giáo viên trên chuẩn tăng nhanh, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có tổng số 2.171 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỷ lệ trên chuẩn đạt 86,9%, trong đó cấp mầm non tỷ lệ trên chuẩn 84,1%; cấp tiểu học tỷ lệ trên chuẩn 91,3%; cấp THCS tỷ lệ trên chuẩn 85,2%.
Lễ khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Long Châu.
Thưa ông, vấn đề chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị trong những năm gần đây được ngành chú trọng như thế nào?
Được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, những năm gần đây, ngành GD & ĐT Yên Phong đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Toàn huyện có 48 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, số trường đạt chuẩn quốc gia là 44 đơn vị (91,7%). Số phòng học thông thường 1.012 phòng, tỷ lệ phòng kiên cố đạt 93%. Số phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành 123 phòng.
Trong năm 2016 - 2017, nhiều trường đã tích cực bổ sung cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới. Tiêu biểu là các trường mầm non Long Châu, Đông Thọ, Hòa Tiến; Trường tiểu học Dũng Liệt, Tam Giang, thị trấn Chờ 2, Long Châu; Trường THCS Long Châu, Đông Phong, Yên Phong, Đông Tiến, Hòa Tiến, thị trấn Chờ.
Theo ông, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện, trường chuẩn quốc gia còn những khó khăn và thách thức gì?
Công tác phổ cập giáo dục, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia với Yên Phong tuy đã đạt được những thành công nhất định, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, cụ thể: Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ chưa đồng đều giữa các đơn vị, một số đơn vị tỷ lệ đạt chưa được cao. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cấp THCS còn thấp; khu lẻ mầm non, tiểu học còn nhiều; số trường đạt chuẩn mức độ 2 cấp mầm non, tiểu học ít. Tiến độ xây dựng trường chuẩn một số địa phương còn chậm, chưa đúng kế hoạch.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.