59 năm qua, ngày 27.2 luôn được coi là ngày tôn vinh những hi sinh và đóng góp của thầy thuốc - những bóng áo trắng thầm lặng ở Việt Nam. Thời gian qua ngành y liên tục thu hút sự quan tâm của công chúng qua những vụ scandal đầy tai tiếng. Tuy nhiên, bài viết này xin đề cập đến một góc độ khác qua cách nhìn của tác giả về ngành y. Với lời cảm ơn chân thành, xin dành tặng bài viết này cho những bác sĩ, điều dưỡng nhân ngày thầy thuốc Việt Nam và chúc anh/chị/bạn hãy vững bước trên con đường cao quý là mang lại sức sống và niềm vui cho mọi người.
Nghề y - nghề khắc nghiệt
Đầu tiên, với danh hiệu “Nhất Y Nhì Dược”, điểm chuẩn vào trường Y luôn nằm trong top đầu trong mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học. Đại học Y Hà Nội, một trường có bề dày thành tích lâu đời, khi mà với 9 điểm/môn, thí sinh vẫn chưa chắc đã trúng tuyển vào trường.
Trong khi rất nhiều trường khác thí sinh chưa đến 5 điểm/môn, nhưng chỉ cần qua mức sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là nghiễm nhiên trở thành sinh viên đại học.
Sau kỳ tuyển chọn gắt gao và cạnh tranh, sinh viên ngành y phải trải qua 6-7 năm học để có thể trở thành một bác sĩ. Nghĩa là dài hơn 50% - 75% so với thời gian thông thường của sinh viên các ngành khác.
Chưa kể, sinh viên ngành y phải học cả ngày cả đêm. Từ năm thứ 2, ngoài giờ học lý thuyết trên lớp sinh viên còn phải học thực hành tại các bệnh viện, phải chia ca trực đêm.
Sau khi tốt nghiệp, để có thể hành nghề, bác sĩ phải học chuyên tu thêm các khóa chuyên sâu với thời gian thông thường từ 6 tháng - 1 năm và phải được cấp chứng chỉ mới được hành nghề.
Cần phải nói thêm, do đặc thù nghề nghiệp nên nghề y phải học không ngừng và có lẽ là một trong số ít các ngành nghề phải học hành nhiều và vất vả nhất.
Ra trường đi làm, công việc của ngành y cũng thuộc loại bận rộn và áp lực liên tục, kéo dài khi phải tiếp đón và điều trị cho quá nhiều bệnh nhân. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, hệ thống hạ tầng mà đặc biệt là hạ tầng cho y tế không theo kịp với tốc độ gia tăng dân số và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Do đó, tình trạng quá tải xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, đặc biệt là tuyến trên. Ngày em họ tôi đi viện, cấp cứu chuyển tuyến lên BV Nhi Trung ương từ tối ngày hôm trước mà sáng ngày hôm sau khi đến thăm, tôi vẫn thấy những con người ấy lặng lẽ, chính xác, nhịp nhàng làm việc liên tục trong Khoa cấp cứu.
Nếu nói về lao động chân tay, có thể họ không phải làm việc mang vác nặng nhưng với cường độ làm việc căng thẳng, liên tục trong thời gian dài như vậy, phải nói nghề trí óc cao quý này còn nặng hơn cả lao động chân tay.
Chưa kế đến bác sĩ y học cổ truyền thực hiện những bài vật lý trị liệu xoa bóp, bấm huyệt, trông nhẹ nhàng thế thôi, nhưng cực kỳ tốn sức. Và nếu bạn thực hiện khoảng 20 ca như thế một ngày thì bác sĩ chắc phải có cơ tay khỏe như vận động viên cử giật!
Nghề y đòi hỏi khắt khe về cả lao động cả trí óc lẫn chân tay, vừa phải liên tục, vừa phải chính xác và kịp thời.
Nếu như Luật lao động quy định người lao động làm việc 8 giờ/ ngày và 6 ngày/ tuần thì chưa một người bạn bác sĩ nào của tôi được hưởng chế độ này. Là bác sĩ, nếu bạn không phải trực đêm thì sẽ phải trực ngày cuối tuần.
Do đó, nghề y không chỉ đòi hỏi cường độ lao động cao mà còn đòi hỏi thời gian lao động dài và liên tục suốt cuộc đời làm nghề.
Đã bao giờ, bạn thử tưởng tượng phần lớn thời gian cuộc đời của bạn gắn với môi trường nơi mà chết choc rình rập, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở, máu và nước mắt, stress luôn bao vây mới thấy rằng nghề y đòi hỏi sự hi sinh lớn nhường nào!
Là người bệnh, bạn thấy quá mệt mỏi và chật vật khi phải chờ đợi để được khám và điều trị bạn có thể than thở, tỏ ra bức xúc mà chẳng có cản trở nào. Nhưng nhìn từ góc độ ngược lại, bác sĩ phải khám và điều trị không chỉ cho bạn mà còn hàng chục người khác đang trong tình trạng mệt mỏi và bức xúc như bạn.
Bác sĩ phải giữ thái độ niềm nở, nhẹ nhàng suốt cả ngày, thậm chí suốt cả đời trong khi họ cũng chỉ là con người như bạn.
Tôi đã thấy những bác sĩ cả ngày liên tục đi lại khám từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Công việc đòi hỏi họ chỉ được ngồi lúc họp giao ban, ăn trưa và chắc là thêm ngồi bồn cầu để có thể đáp ứng công việc mà vẫn luôn mỉm cười.
Nghề y - nghề nguy hiểm
Nguy hiểm đầu tiên phải kể đến là nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ môi trường làm việc. Từ bệnh nhân cúm AH5N1 đến lao phổi hay HIV, bác sĩ đều phải điều trị mà không có sự lựa chọn.
Họ là những người trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh. Do đó, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đôi khi sự cố hay tai nạn nghề nghiệp, họ có thể phải trả giá bằng cả tính mạng và sức khỏe.
Không ít trường hợp bác sĩ, điều dưỡng bị chửi bới, đe dọa và hành hung bởi người nhà bệnh nhân khi có sai sót trong nghề nghiệp và thậm chí cả trong trường hợp họ đã làm hết khả năng nhưng người nhà bệnh nhân cho rằng họ có lỗi.
Nghề nào cũng không tránh khỏi sai sót nhưng sai sót trong nghề y có thể dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, nghề y yêu cầu mức độ chính xác và khắt khe hơn nhiều dù cường độ và tính chất lao động cao hơn các ngành khác.
Việc tiếp xúc liên tục với những người đau ốm về thể chất, mệt mỏi, khó chịu về tinh thần, thầy thuốc thường trực phải đối mặt với khả năng xảy ra những hành động quá khích, thiếu kiểm soát của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt, trong và sau quá trình điều trị.
Nghề y - nghề bạc bẽo
Cái bạc bẽo đầu tiên mà nghề y mang lại là thái độ thờ ơ, nếu không muốn nói là vô ơn của một số người bệnh. Họ vồ vập, săn đón bác sĩ khi cần nhờ vả và thản nhiên quay lưng lại. Thậm chí là nói xấu, chửi sau lưng khi đã đạt được mục đích.
Chế độ đãi ngộ cho ngành y quá bèo bọt trong khi áp lực công việc lớn, trách nhiệm nặng nề. Mặc dù cường độ, tính chất, thời gian làm việc, môi trường độc hại, áp lực và yêu cầu cao hơn các ngành khác nhưng ngành y vẫn áp dụng lương theo ngạch bậc như những ngành kinh tế khác.
Nếu một bác sĩ học 7 năm ra trường sẽ được hưởng mức lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng.
Dù phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao nhưng phụ cấp độc hại cho ngành y ở một BV tuyến TW ở Hà Nội chỉ dừng lại ở mức 65.000 đồng/ tháng và nếu nghỉ ngày nào sẽ bị khấu trừ ngày đó.
Việc thực hiện thủ thuật ở BV loại I cũng chỉ là 35.000 đồng/ca cho 3 người trong cả êkip thực hiện, dù có trường hợp phức tạp phải kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Hay một bác sĩ trực đêm ở BV thuộc Bộ Quốc Phòng chỉ nhận được phụ cấp 35.000 đồng/ca.
Để đảm bảo mưu sinh, bác sĩ phải làm thêm sau giờ làm việc, thời giờ lẽ ra họ dành để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và dành cho gia đình, bản thân.
Nếu không làm thêm, thu nhập của một bác sĩ 4-5 năm kinh nghiệm không đủ để thuê nhà và trả tiền ôsin trông con, chưa kể đến tiền mua tài liệu, học tập để nâng cao kiến thức - một yêu cầu bất thành văn bắt buộc của các bác sĩ.
Nghề y - Nghề đòi hỏi sự đam mê và hi sinh
Chỉ có niềm đam mê các thầy thuốc mới có thể hi sinh thời gian, công sức để theo học một ngành khắc nghiệt, nguy hiểm nhưng lại bạc bẽo đến thế.
Câu chuyện một bác sĩ bận cấp cứu bệnh nhân mà không kịp gặp mặt người thân trước lúc lâm chung hay nữ bác sĩ phải xa con, bỏ lỡ cơ hội nhìn con khôn lớn từng ngày để trở lại đơn vị công tác có lẽ không phải điều hiếm gặp ở ngành y.
Bác sĩ - những người đang từng ngày hi sinh tuổi thanh xuân, sức khỏe của mình để chăm lo cho sức khỏe của người khác thật đáng khâm phục.
Một lần nữa cám ơn các thầy thuốc vì những hi sinh và đóng góp của các anh/chị/ bạn/em và xin hãy vững bước theo đuổi niềm đam mê của mình bởi còn có rất nhiều người đang dõi theo, ngưỡng mộ và nhìn nhận mọi người đúng theo hình ảnh “lương y như từ mẫu”.
Dành tặng những bác sĩ tôi yêu!
P.V (theo LĐO)
KTNT