Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mà hàng trăm triệu đồng đầu tư thiết bị nước sạch của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn khối 12, thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) đang dần dần bị hoang phế hư hỏng sau hơn hai năm, tại đây không hề có nước của nhà máy cung cấp.
“Chắt” từng xô nước để nấu cơm
Mở nắp “giếng tự tạo”, Trưởng ga Cầu Giát bức xúc cho chúng tôi biết: “Suốt hai năm lại đây, kể từ năm 2011, toàn bộ cơ quan đơn vị trên địa bàn khu vực khối 12 không được cung cấp nước, cho dù là nước… bẩn, bởi hiện tại hàng trăm chiếc đồng hồ điện đang bị hoang phế, hư hỏng và hàng trăm mét đường ống đang bị hủy hoại vì không có nước”.
|
Giếng tự tạo ở Ga Cầu Giát đã cạn kiệt. |
Cung trưởng cung đường Cầu Giát Phan Thanh Hà cho chúng tôi biết: “Hiện, đơn vị có hơn 20 CBCNV, mỗi tuần phải mua 250,000 đồng cho 1 xe nước (5 m3). Tuy nhiên, lượng nước này chỉ để phục vụ nấu cơm, tắm giặt và dè sẻn cho nước vệ sinh. Vậy mà mỗi tháng ở đơn vị cũng mất 1 triệu đồng mua nước, chưa biết đó là nước sạch hay nước bẩn, nhưng nhiều hôm nước đun sôi sặc mùi hóa chất nên anh em công nhân không dám uống”.
Quan sát hàng chục hộ dân, cơ quan trên địa bàn, chúng tôi thấy nhiều gia đình đã “cải tiến” hệ thống ao, giếng để trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, nhưng thật là một sự chống chọi khốc liệt giữa con người với thiên nhiên. Nhiều năm nay, các huyện xung quanh đã “no” nước thì Cầu Giát chỉ “có mưa khi các nơi đã ngập lụt”, khiến cho hàng trăm CBCNV ngành đường sắt đành phải nhịn… tắm. Thậm chí, nhiều hệ thống tự hoại được xây dựng từ thời có nước máy, giờ cũng đang dần bị hư hỏng vì không có nước. Tuy mua nước với giá 50.000 đồng/m3, nhưng nào đâu có được nước sạch, nhưng chỉ cần có nước là được, nên nhiều đơn vị mua nước về phải dùng khóa, khóa lại bể đề phòng người múc trộm.
|
Hộp đồng hồ tổng giờ trở thành... hộp rác. |
Thiết bị nhà máy nước thành sắt vụn?
Nhìn những hộp đồng hồ tổng cấp nước cho khu vực giờ đã bị hư hỏng, không ai quản lý, bị cỏ mọc um tùm mà chúng tôi thấy xót xa, ái ngại cho những công nhân cầu đường, đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu ngành đường sắt phải lao động cật lực suốt 24/24 giờ chỉ mong có được 1 xô nước để tắm.
Anh Nguyễn Huy Việt, nhân viên gác ghi của ga Cầu Giát còn cố nhớ lại để thao tác mở van nước trong buồng toa lét của gác chắn, bởi việc này đã bị lãng quên, vì đã gần 3 năm nay, chòi chắn mất nước nên nhân viên gác chắn đành phải bỏ nhiệm sở chạy vộ ra cầu đường sắt cách đó 100m để... thả.
|
Nhiều đơn vị mua nước bẩn cũng khóa bể đề phòng bị…trộm nước. |
Về khối 12, thị trấn Cầu Giát, đi đâu chúng tôi cũng được người dân kháo nhau, bàn về chuyện “mất nước”. Đem vấn đề này trao đổi với ông Hoàng Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHHMTV cấp nước huyện Quỳnh Lưu thì ông Chương cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại thì máy lọc nước của Công ty chỉ đáp ứng được 1.000m3/ngày. Trong khi đó nhu cầu nước đang cần là 10.000m3/ngày nên hệ thống cấp nước được xây dựng hơn 10 năm đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu. Bình quân mỗi ngày đêm tại địa bàn cần 10.000m3 nước, trong khi đó nhà máy mới đáp ứng được 10% nên việc khối 12 mất nước hai năm là đương nhiên”.
Ông Chương còn cho biết, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu đã có kế hoạch đầu tư hơn 50 tỷ nâng cấp nhà máy nước cho thị trấn, nhưng cho đến thời điểm này, dự án vẫn nằm trên giấy nên việc quá tải ở nhà máy nước là khó tránh khỏi.
Chúng tôi thắc mắc vấn đề hàng ngày có hàng trăm xe treo biển “bán nước sạch của nhà máy” chạy đầy đường, liệu có phải nhà máy “dồn” nước lại để bán cho tư thương kiếm lời không (?) thì ông Chương khẳng định, những chiếc xe ô tô bán nước đó hoàn toàn không phải nước sạch từ nhà máy.
|
Ngôi nhà bên bờ Nông Giang mà các xe ô tô thường vào bơm “nước sạch nhà máy” đi bán. |
Vậy nguồn nước ấy từ đâu ra (?). Đang tự hỏi thì chúng tôi thấy 3 chiếc xe “bán nước” chạy qua và chúng tôi bám theo, điều vô cùng bất ngờ là tại bờ sông Nông Giang xã Quỳnh Bá, cả ba xe ô tô này vào hẳn trong nhà “bơm” đầy nước rồi treo biển “nước sạch nhà máy” để đi bán. Hèn gì mà anh em công nhân bảo đun nước sôi xong đành phải đổ vì sặc mùi hóa chất.
Hàng ngày, hàng giờ, hàng trăm con người của 6 cơ quan đơn vị ngành GTVT đang phải chống chọi quyết liệt với cái nắng 39-40 độ C, nhưng khó khăn và khốc liệt nhất là chống chọi với việc mất nước và hàng tháng phải bỏ ra một lượng tiền không nhỏ để mua nước bẩn về dùng, mặc dù họ chỉ ở cách nhà máy nước hơn 2km, trong khi hàng trăm triệu đồng đầu tư thiết bị đường ống đang bị hoang phế.
Rất mong các cơ quan quản lý tỉnh Nghệ An sớm có biện pháp giải quyết.Xuân Bảy
KTNT