Nghệ An có tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đây là lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tại Nghệ An, mô hình du lịch nông thôn mới ở bản Nưa, bản Phả, bản Khe Rạn (Con Cuông), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu) và các mô hình trang trại tại miền Tây xứ Nghệ cho thấy, quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú khi du khách được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của người dân nông thôn, văn hóa vùng miền và được hòa mình với thiên nhiên.
Tiềm năng lớn
Nghệ An có tiếng là vùng đất có nhiều sản vật, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng văn hóa, làng nghề… Đây là lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Con Cuông là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, đến đây, du khách được trải nghiệm các dịch vụ bình dị, mộc mạc của đồng bào Thái như: lội ruộng cấy lúa, đội nón lá ra đồng cầm liềm gặt lúa cùng với bà con, nơm cá dưới khe nước; thăm quan vườn cam, vườn chè…
Những dịch vụ này thực sự là trải nghiệm thú vị đối với khách du lịch nước ngoài cũng như khách trong nước. Đặc biệt, du khách được thưởng thức các món ăn chế biến tại chỗ, bằng nguồn thực phẩm tươi sống do bà con dân bản tự nuôi, trồng.
“Điều đặc biệt hơn nữa, khách đến thăm nhà dân, được xem bà con dệt thổ cẩm, sử dụng những sản phẩm chăn, ga, gối đệm, trang phục Thái được làm từ vải thổ cẩm, cũng như tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương”, bà Vi Thị Nguyệt, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Con Cuông, chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm homestay của gia đình chị Lô Thị Hoa, Trưởng nhóm Du lịch cộng đồng bản Nưa, được thiết kế dạng nhà sàn truyền thống. Nhà được bài trí giản đơn, mỗi vật dụng đều bật lên chất truyền thống của đồng bào Thái. Vườn nhà được gia chủ trồng đủ loại rau xanh, kết hợp một số cây ăn quả. Ngoài ra, công trình vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt… cơ bản được trang bị, xây dựng khang trang, kiên cố.
Chị Lô Thị Hoa cho biết, làm du lịch cộng đồng có thể tận dụng mọi thứ có trong bản, khi có khách là chị em trong nhóm có trách nhiệm mỗi người một tay, mục đích là làm sao để phục vụ khách tốt nhất, với mục tiêu của bữa ăn “ngon, bổ, rẻ”, làm hài lòng du khách.
Mỗi năm, nhóm du lịch cộng đồng bản Nưa đón trên dưới 3.000 lượt khách trong và ngoài nước, con số này góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân bản địa. Mức thu nhập bình quân của thành viên trong nhóm du lịch cộng đồng tăng dần, hiện đạt khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, ổn định hơn nhiều so với trước kia.
Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu) nhộn nhịp hơn trước kia rất nhiều. Nơi đây, với 100% hộ đồng bào Thái, hiện đang được du khách biết đến như một điểm nhấn về du lịch cộng đồng... Hoa Tiến được xem là cái nôi của nghề dệt thêu thổ cẩm ở Quỳ Châu. Mỗi hộ dân trong làng đều có khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều mẫu mã, hoa văn tinh tế, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng so với các dân tộc thiểu số khác. Bên cạnh đó, bản còn xây dựng gian hàng thương mại giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc sản của huyện như: thổ cẩm, mật ong rừng, rượu cần, hàng mây tre đan, hương trầm…
Các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương như: thổ cẩm, sản phẩm dược liệu...
Năm 2019, HTX làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm gồm khăn, chân váy, khăn trải bàn đạt chuẩn 4 sao OCOP của tỉnh Nghệ An. Sản phẩm dệt thổ cẩm Quỳ Châu và du lịch cộng đồng cộng hưởng với nhau tạo thành nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ. Những sản phẩm thổ cẩm ở đây, nhất là những chiếc khăn tơ tằm với hoa văn độc lạ, đã vươn ra nhiều thị trường, được nhiều bạn bè biết đến.
Chị Sầm Thị Tình, một trong những người làm du lịch đầu tiên tại bản Hoa Tiến, cho biết, nơi này, không gian văn hóa người Thái được phục dựng khá đầy đủ với nhà sàn truyền thống làm nơi dừng chân cho du khách, kết hợp với ẩm thực dân tộc và các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc truyền thống như: dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, nhảy sạp, khắc luống, ném còn, tò mọc lẻ... Bên cạnh đó, chúng tôi còn mở các gian hàng giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của Hoa Tiến như khăn quàng cổ, áo, túi xách mang các hoa văn đặc trưng, chính là những điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Cần sự liên kết
Cùng với phát triển du lịch, sau gần 4 năm triển khai, tỉnh Nghệ An đã có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt cấp quốc gia 5 sao và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ ba của cả nước (sau Hà Nội, Quảng Ninh). Nhiều sản phẩm OCOP ở Nghệ An đã được biết đến như: trà lá sen và hoa sen, cam Vinh, dược liệu Pù Mát, tương Sa Nam, trà túi lọc Giảo Cổ Lam, sản phẩm dệt thổ cẩm…
Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện uỷ Con Cuông, cho hay, Con Cuông đang là điểm du lịch hấp dẫn của miền Tây xứ Nghệ cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP Con Cuông được trở thành sản phẩm hàng hóa nông thôn tiêu biểu có giá trị.
Các sản phẩm OCOP chủ lực của Con Cuông được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và của tỉnh. Nhờ đó, những năm gần đây, các sản phẩm OCOP của huyện Con Cuông đã góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương và của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của Con Cuông. Vì vậy, thu nhập của người dân Con Cuông trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương cũng tạo nên sức hút cho các điểm du lịch, đồng thời, hoạt động du lịch cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.
Đây là quan hệ mang tính tương hỗ, ngay từ khi thực hiện chương trình, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã xác định rõ và linh hoạt lồng ghép hiệu quả vào các chương trình du lịch nông thôn.
Cùng với đó, các cấp, ngành sẽ tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các tỉnh có nét tương đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, từ đó giúp họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.