KTNT - Vừa qua, Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn phản ánh của bạn đọc về việc gói thầu ‘‘Mua sắm trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2014 của Trường THCS Đức Giang ngày 30/6/2014’’ có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch, không có tính cạnh tranh giữa các nhà thầu, vi phạm Luật Đấu thầu, dẫn đến lãng phí ngân sách Nhà nước và bất bình trong dư luận...
Ngày 5/6/2014, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) có Quyết định số 3105/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu: Mua sắm trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2014 của Trường THCS Đức Giang.
Vì trường không có chuyên môn trong việc đấu thầu nên đã thuê đơn vị tư vấn đánh giá hồ sơ mời thầu (HSMT) là Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (đơn vị tư vấn).
Theo một số nhà thầu, trong quá trình xem xét đánh giá hồ sơ của các nhà thầu, tổ chuyên gia đấu thầu đã vội vàng kết luận nhà thầu bị loại do không đáp ứng tiêu chí cụ thể như: Không có Giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng I thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng cấp (loại: bằng gỗ, nhựa, vải, giấy và các vật liệu khác). Trong đó, có nêu rõ Giấy chứng nhận phép thử nghiệm vật liệu trước khi sản xuất do Trung tâm Tổng cục đo lường cấp có giá trị trong 6 tháng kể từ ngày cấp và mang tính chất tham khảo). Nếu đơn vị được cấp sử dụng làm căn cứ pháp lý phải có văn bản xác nhận của Tổng cục cho phép sử dụng vào mục đích cụ thể và thời gian hiệu lực của văn bản này.
Chỉ đơn vị có bản kết quả thử nghiệm mới trúng thầu?
Như vậy, đơn vị tư vấn dựa vào kết quả thử nghiệm đó để đánh giá kết quả hồ sơ của nhà thầu đạt hay không đạt là không có cơ sở. "Đây chỉ là kết quả của phép thử nghiệm tại thời điểm thử nghiệm mà không thể áp dụng cho điều kiện xét thầu và áp dụng cho điều kiện loại trực tiếp khi nhà thầu tham gia. Đó chỉ là tiêu chí tham khảo và áp dụng khi cần kết quả xác nhận chất lượng của hàng hoá được cung cấp và lắp đặt tại đơn vị sử dụng, là kết quả đánh giá hàng hoá sau khi lắp đặt với sự cam kết về chất lượng hàng hoá của đơn vị cung cấp", ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Công ty CP Thiết bị Tràng An, cho biết.
Cũng theo ông Tuấn Anh, về tiêu chí kỹ thuật cho gói thầu này, tổ chuyên gia đấu thầu chấm và đánh giá thông số kỹ thuật chi tiết của từng hạng mục nhưng lại bỏ qua tiêu chí đánh giá về mặt thương hiệu, nhãn mác hàng hoá. Khi hàng hoá có tên thương hiệu rõ ràng sẽ quyết định đến chất lượng hàng hoá, thông số kỹ thuật, xuất xứ và nhà sản xuất hàng hoá, đồng thời thể hiện bằng bảng chào giá, Catalogue của sản phẩm,… Nhưng tổ chuyên gia đấu thầu lại bỏ qua không đánh giá điều này mà đánh giá “Đạt” cho Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Việt Hồng, như vậy là chưa công bằng và thiếu minh bạch.
Các thương hiệu của nhà sản xuất không nêu chào được tên nhà sản xuất, dẫn đến nguồn gốc về xuất xứ, chủng loại, nhãn hiệu không rõ ràng sẽ dẫn đến chất lượng của sản phẩm không đảm bảo về mặt chất lượng, không đáp ứng theo tiêu chuẩn về chất lượng của hàng hoá theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu không rõ ràng sẽ bị loại bỏ và cấm được lưu hành trên thị trường.
Với ý kiến chủ quan của tổ chuyên gia đấu thầu đã tư vấn không đúng cho chủ đầu tư và chủ đầu tư sẽ phải tốn chi phí hơn khi mua cùng một loại thiết bị đó, cụ thể đơn vị trúng thầu đưa ra 1.865.906.000 đồng, đơn vị không trúng thầu đưa ra 1.396.868.000 đồng, chênh lệch 469.038.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi chín triệu không trăm ba mươi tám nghìn đồng chẵn). "Vậy có sự thông thầu giữa đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và nhà thầu ?!", ông Tuấn Anh đặt nghi vấn.
Có hay không việc “móc nối” thông thầu tại Trường THCS Đức Giang? Đề nghị UBND huyện Hoài Đức sớm chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và xử lý sai phạm nếu có, nhằm tạo môi trường cạnh tranh minh bạch và công khai trong đấu thầu, hạn chế thất thoát tiền ngân sách./.
Trung Hiếu
KTNT