Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 7 năm 2014 | 3:56

Nghi vấn khuất tất về tài chính ở TAND tỉnh Hà Tĩnh

KTNT - Thời gian qua, dư luận tại Hà Tĩnh hết sức quan tâm tới những tố cáo liên quan tới sự không minh bạch trong vấn đề tài chính, mua sắm tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là việc chi trả bất thường tiền thai sản của 10 nữ cán bộ.
Những sự việc trên đã được TANDTC thu thập hồ sơ để kiểm tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận.

Nghi vấn tiền thai sản bị “ăn chặn”?
Đầu tháng 5/2014, trước những bức xúc của các nữ cán bộ đề nghị lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ những thắc mắc trong việc chi trả tiền thai sản của chị em sinh đẻ, ông Trần Quốc Việt, Chánh án, đã yêu cầu bộ phận Văn phòng, Phòng Tổ chức cán bộ vào cuộc kiểm tra.
Trong đơn trình bày, chị Tống Thị Cẩm Tú bày tỏ những dấu hiệu bất thường trong việc chi trả tiền thai sản, tiền dưỡng sức của một số chị em trong nhiều năm. 
Cụ thể, vào năm 2010, chị Tú sinh cháu, sau sinh gần 2 tháng, chị đã làm và nộp các thủ tục theo yêu cầu của kế toán. Trong quá trình nghỉ sinh, chị vẫn nhận lương bình thường. Đến cuối năm 2012, chị Tú được thanh toán 2 lần tiền thai sản từ bà Đặng Thị Lan, kế toán viên: lần 1 khoảng 1 triệu đồng, lần 2 khoảng 280 ngàn đồng.
Tiếp đó, đầu năm 2011, chị Phạm Thị Quỳnh Chi sinh con, trong quá trình sinh chị vẫn nhận lương bình thường từ cơ quan. Sau đó, chị Chi đã làm hồ sơ thanh toán thai sản nộp cho kế toán. Năm 2012, chị cũng nhận được 2 lần tiền thai sản từ bà Lan với số tiền khoảng 2,2 triệu đồng. Chị Chi thắc mắc thì được bà Lan giải thích: Đây là tiền tã lót và dưỡng sức, còn tiền lương đã nhận hàng tháng tại cơ quan.
Ngày 9/12/2011, chị Nguyễn Thị Hằng (nhân viên tạp vụ theo hình thức hợp đồng lao động) sinh con. Trong quá trình nghỉ sinh, vì là nhân viên hợp đồng nên bà Lan không trả lương từ cơ quan mà đến cuối tháng 12/2012, kế toán cho nhận số tiền hơn 4,9 triệu đồng, sau đó nhận thêm 275 ngàn đồng.
Ngoài ra, có 5 chị Lê Thị Hạnh, Lê Thị Thanh Huệ (cùng sinh con năm 2011), Trần Thị Thúy Hạnh (sinh con năm 2013), Lê Nữ Ngọc Diệp (sinh con năm 2010 và năm 2011 nộp giấy báo tử), Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh con năm 2012), ngoài nhận lương hàng tháng trong quá trình sinh nở, đến cuối năm 2013, bà Lan đã cho ứng với số tiền 2 triệu đồng/người.
Đặc biệt, có chị Nguyễn Thị Thanh Loan và chị Nguyễn Thị Linh Giang (cùng sinh con năm 2013) mới chỉ nhận lương hàng tháng, còn không nhận được tiền thai sản.

Đơn phản ánh của nhiều nữ cán bộ TAND tỉnh Hà Tĩnh 
về tiền thai sản bị chi trả bất thường trong nhiều năm.

Bên cạnh việc vẫn chi trả tiền lương đầy đủ từ năm 2010 cho các chị em nghỉ sinh thì kế toán đã làm các thủ tục hồ sơ thanh quyết toán chế độ thai sản của các chị em với Bảo hiểm xã hội (BHXH). Cụ thể, kế toán đã nhận tiền 3 đợt từ BHXH: đợt 1 (tháng 12/2011, tiền thai sản của chị Tú và chị Chi) với số tiền hơn 19,7 triệu đồng; đợt 2 (tháng 3/2013, tiền thai sản của chị Hằng và chị Huyền) là 19,1 triệu đồng và đợt 3 (tháng 1/2014, tiền thai sản của các chị Diệp, Hạnh, Huệ, Giang, Loan) với số tiền lên tới hơn 77,7 triệu đồng.
Và sau khi thanh quyết toán tiền thai sản với BHXH tỉnh Hà Tĩnh, theo như giải thích, kế toán lại tính toán rồi trả thêm cho các đối tượng thai sản. Ví dụ như trường hợp chị Tú nhận thêm 2,5 triệu đồng và chị  Chi là 2,6 triệu.
Như vậy, theo số liệu tại BHXH, mỗi chị em sinh đẻ được chi trả hơn 9 triệu đồng, nhưng thực chất họ chỉ nhận được quá ít, người thì hơn 2 triệu đồng, người hơn 1 triệu đồng. Tiền dưỡng sức thì không hề có.
Một người am hiểu thông tin với chúng tôi rằng, việc làm này của bộ phận kế toán và chủ tài khoản đã vi phạm nguyên tắc tài chính. Thực chất, tiền thai sản nhà nước chi trả cho chị em, tòa án chỉ là đơn vị trung chuyển. Tiền về thì phải chuyển thẳng toàn bộ vào tài khoản người thụ hưởng. Ở đây, mặc dù tiền của chị em, nhưng kế toán tòa lại chi trả nhỏ giọt, và mỗi phiếu chi đều có chữ ký của chủ tài khoản.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ
Trước khi có sự vào cuộc của TANDTC, Chánh án TAND Hà Tĩnh đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra, và bước đầu phát hiện nhiều sai phạm.
Theo đó, về trách nhiệm, trong quá trình giải quyết chế độ thai sản, kế toán đã không làm kịp thời, kéo dài thời gian, bên cạnh đó không giải thích cho cán bộ công chức, người lao động - là những đối tượng hưởng thai sản hiểu quy trình hồ sơ thủ tục làm chế độ dưỡng sức theo đúng quy định nên hầu như các chị em không được BHXH thanh toán chế độ dưỡng sức (khoảng 1 triệu đồng/người). Mặc dù đối tượng thai sản có đủ điều kiện theo quy định hưởng chế độ dưỡng sức.
Về thời gian, sau khi kiểm tra và các đơn thư phản ánh thì cả 10 chị em sau khi sinh đã kịp thời cung cấp hồ sơ thai sản đầy đủ theo hướng dẫn của kế toán nhưng kế toán không làm kịp thời từ năm 2010, với lý do kế toán không thực hiện chế độ thai sản. 
Còn theo phản hồi từ BHXH tỉnh, vì kế toán TAND tỉnh không làm hồ sơ gửi kịp thời theo quy định nên BHXH tỉnh mới xin BHXH Việt Nam cho phép và được chấp nhận cho thanh toán số tiền chậm trễ trên.
Cũng qua quá trình xác minh còn phát hiện thêm sai phạm trong hoạt động chuyên môn của bộ phận kế toán. Đó là việc không cung cấp kịp thời hồ sơ cho BHXH theo Điều 117 Luật BHXH, làm thiệt hại đến lợi ích mà đối tượng được hưởng. Nguyên tắc hoạt động tài chính cũng bị vi phạm, việc song song chi trả lương và BHXH cho đối tượng được hưởng chế độ là sai.
Thế nhưng, trước những sai phạm khá rõ ràng, bộ phận kế toán gồm bà Trần Thị Minh Nguyệt, kế toán trưởng và bà Đặng Thị Lan, kế toán viên, lại không có câu trả lời rõ ràng. 
Quá trình kiểm tra còn phát hiện ra số tiền hơn 8 triệu đồng trong quỹ, được kế toán cho biết là của năm 2012. Tuy nhiên, theo như nguyên tắc tài chính thì hằng năm đều quyết toán năm tài chính, không có lý gì dôi ra số tiền này mà kế toán và chủ tài khoản không biết. Nghịch lý ở chỗ, tiền chế độ thai sản không chi trả đủ nhưng quỹ lại bị thừa? Dư luận cho rằng phải chăng số tiền này mới được bỏ vào để hợp lý hóa?
Trong lúc những vấn đề trên đang chờ kết luận cuối cùng từ TANDTC thì nhiều bất thường về tài chính khác tại TAND tỉnh Hà Tĩnh đã được phát hiện. Như việc mua sắm hàng chục chiếc điều hòa có giá trị hàng trăm triệu đồng không minh bạch, chất lượng nhiều chiếc xuống cấp nhanh chóng. Sự việc này đã được lãnh đạo Tòa án chỉ ra lô hàng không rõ ràng khi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được dịch ra tiếng Việt, thông báo mời thầu không đúng...
Mới đây, tập thể cán bộ Tòa án đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra những dấu hiệu khuất tất trong việc bộ phận kế toán thụ hưởng tiền phần trăm tiếp khách, hội nghị, tập huấn từ các khách sạn tại TP. Hà Tĩnh. Nhất là nghi vấn chuyển tiền trái phép vào tài khoản khách sạn Ngân Hà rồi rút ra.
Hiện dư luận đang trông đợi vào sự vào cuộc quyết tâm của lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh, và kết luận nghiêm minh của TANDTC, để sự việc được rõ ràng, nhanh chóng lập lại ổn định tại cơ quan xét xử cao nhất Hà Tĩnh.
Công Lý 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top