Cho rằng chính quyền xã, huyện không thực hiện theo kết luận của tỉnh Hà Tây (cũ), gia đình bà Nguyễn Thị Thường, ông Nguyễn Văn Thiện ở đội 9, thôn My Thượng, xã Thanh Mai (Thanh Oai - TP.Hà Nội) đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng nhờ giải quyết.
Mặc dù được san lấp nhưng trên thực tế, nhiều thửa ruộng vẫn xuất hiện hố trũng khiến cây lúa không thể sinh trưởng.
Trong đơn, bà Thường, ông Thiện cho biết, năm 1994, nhận được phản ánh của người dân xã Thanh Mai về nghi vấn tiêu cực trong công tác quản lý đất đai, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã vào cuộc xác minh. Trong kết luận phúc tra số 18 ngày 2/4/2001 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ rõ những sai phạm của chính quyền địa phương và yêu cầu huyện Thanh Oai phối hợp với UBND xã Thanh Mai giải quyết dứt điểm vụ việc.
Tuy nhiên, theo bà Thường, đến nay chính quyền địa phương cố tình phớt lờ yêu cầu của cấp trên nhằm chiếm dụng 5.080m² đất cửa kho thuốc sâu, 10.090m² đất hồ của thôn My Thượng. Không những vậy, chính quyền xã còn bị tố không thực hiện đúng với tiêu chí dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Theo đó, xã được cho là đã tự ý trích lại 86 mẫu đất quỹ I, trong đó riêng nhà bà Thường, ông Thiện có gần 1.000m2. Hay việc chính quyền xã đề nghị cấp “lậu” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân làm nhà trên đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đích, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đích, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cũng khẳng định, chính quyền xã đã làm đúng trình tự hướng dẫn số 121 ngày 20/8/2012 của UBND huyện Thanh Oai về DĐĐT. Trên cơ sở rà soát toàn bộ diện tích đất các thôn, xã đã thành lập tiểu ban DĐĐT với 20 thành viên. Theo người đứng đầu UBND xã Thanh Mai, việc DĐĐT không để vượt quá 5% đất nông nghiệp.
Giải thích về diện tích 5.080m² đất cửa kho thuốc sâu nghi bị chính quyền địa phương chiếm dụng, ông Đích cho biết, số diện tích đất trên đang do thôn My Thượng quản lý và sử dụng vào mục đích nông nghiệp và nằm trong quy hoạch đất giãn dân. Hiện, diện tích này thôn My Thượng vẫn chưa bàn giao cho xã. Về diện tích 10.090m² đất hồ, ông Đích lý giải, năm 2006, nhân dân thôn My Thượng không cấy hái được, lãnh đạo thôn khi đó đã tự ý bán số diện tích đất trên cho 45 hộ. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an phát hiện sai phạm trong việc mua bán trên, trưởng thôn My Thượng sau đó đã bị truy tố trách nhiệm trước pháp luật.
Trong diện tích 10.090m2, trừ đi diện tích 45 hộ mua trước đây, phần còn lại thôn My Thượng đang xin quy hoạch thành khu sinh thái. Ông Đích nhấn mạnh: “Việc thu hồi hay giao đất cho 45 hộ dân mua trước đây đều vượt quá thẩm quyền của xã nên chính quyền xã phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Tới đây, UBND xã Thanh Mai sẽ tổ chức họp công khai trước dân về việc bình xét các hộ mua trước đây có được mua lại hay không. Đồng thời, kiến nghị cấp trên giải quyết thấu đáo vụ việc, giúp người dân ổn định cuộc sống”.
Một trong những nội dung chính trong đơn tố cáo cho thấy, trong quá trình DĐĐT, lãnh đạo xã Thanh Mai bị nghi ngờ cố tình bớt lại 86 mẫu đất nông nghiệp không chia trả nốt cho dân, trong đó có gần 1.000m² quỹ đất I của gia đình bà Thường và ông Thiện. Giải thích nghi vấn này, ông Đích khẳng định, việc nói chính quyền để thừa 86 mẫu đất nông nghiệp là không đúng sự thật.
Nguyên nhân để xảy ra hiểu lầm về diện tích đất trên là do sai sót trong kê khai của trưởng thôn My Thượng lúc bấy giờ. “Trưởng thôn khi đó chưa xác định được đất nông nghiệp là đất nào. Ông ta kê cả đất công cộng, đất chuyên dùng nghĩa địa lẫn đất sân bóng cộng lại thì đương nhiên thành 86 mẫu đất nông nghiệp. Trên thực tế, số diện tích đất đã được phân chia hết cho các hộ. Việc hai công dân Thường và Thiện muốn đòi lại gần 1.000m² đất là thiếu căn cứ thực tế”, ông Đích nói.
Trao đổi về việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lậu, ông Đích khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân là trách nhiệm của UBND huyện. Từ khi lên làm chủ tịch UBND xã (năm 2010) đến nay ông không ký, xác nhận cho một hộ nào là đất nông nghiệp để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc 45 hộ dân mua đất nông nghiệp để làm nhà từ năm 2006 là hệ lụy từ những khóa trước đây. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Thanh Oai vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Mặc dù đã được san lấp nhưng trên thực tế, nhiều thửa ruộng nằm trong diện tích DĐĐT vẫn xuất hiện hố trũng khiến lúa không thể sinh trưởng.
Thiết nghĩ, huyện Thanh Oai cần chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm vụ việc, tránh tình trạng đơn thư kéo dài.
Duy Cảnh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.