Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 10 năm 2014 | 8:39

Người dân gây áp lực di dời trang trại nuôi heo gây ô nhiễm

KTNT - Bức xúc trước việc chăn nuôi heo (lợn) gây ô nhiễm của Công ty TNHH P.N.T (huyện Yên Định, Thanh Hóa), hàng trăm người dân địa phương dựng lều lán, vây công sở xã và huyện để đề nghị chính quyền buộc doanh nghiệp di dời đi nơi khác.


>> Hàng trăm người dân chặn cổng yêu cầu di dời trang trại heo

 

 
 Hàng trăm người dân ngày đêm bao vây Công ty P.N.T
 
Từ ngày 26 – 28/10, hàng trăm người dân ở các xã Yên Tâm, Yên Trung, Yên Giang, Nông Trường (Yên Định -  Thanh Hoá) tập trung ở khu trang trại chăn nuôi công nghiệp của Công ty TNHH P.N.T ở thôn Mỹ Hòa, xã Yên Tâm; rồi kéo đến trụ sở UBND xã Yên Tâm và UBND huyện Yên Định để yêu cầu lãnh đạo địa phương giải quyết dứt điểm vụ việc doanh nghiệp trên chăn nuôi lợn gây ô nhiễm.
 
Trước cổng Công ty P.N.T, người dân dựng lều lán, căng băng rôn, khẩu hiệu, la ó… đòi doanh nghiệp di dời toàn bộ đàn lợn nái hơn 1.200 con đang được nuôi tại đây. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an, dân quân tự vệ túc trực ngày đêm nhằm đảm bảo an ninh, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
 
Một người dân cho biết: “Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp P.N.T thực hiện đúng những điều khoản từng cam kết cũng như chỉ đạo của chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Nếu cứ để người dân chúng tôi sống trong sự ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe. Gia đình tôi sống gần trang trại, mỗi khi trời nắng, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà rất khó chịu, ruồi nhặng bay khắp nơi…”.
 
Theo người dân phản ánh, không chỉ môi trường không khí bị ô nhiễm mà nguồn nước ngầm cũng có dấu hiệu nhiễm độc nặng. Một số hoa màu của người dân xung quanh trang trại có dấu hiệu giảm năng suất.
 
“Chúng tôi nghi ngờ công ty đã dùng hóa chất độc hại xử lý nước thải rồi xả ra kênh Hón Măng. Bà con sử dụng nước kênh tưới tiêu khiến cây trồng chết đứng…”, ông T., một người dân cho biết thêm.
 
Trước tình hình trên, sáng 28/10, người dân vây trụ sở UBND huyện Yên Định vì ý kiến của lãnh đạo huyện chưa nhận được sự động thuận của người dân.
 
Ông Lưu Vũ Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: “Sáng 28/10, nhiều người dân vẫn tụ tập trước công sở UBND huyện Yên Định để yêu cầu lãnh đạo huyện giải quyết việc di chuyển trang trại lợn gây ô nhiễm môi trường”.
 
Cũng theo ông Lâm, chiều 27/10, bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, đã đối thoại với người dân và xin gia hạn di chuyển trại lợn đến ngày 30/11 nhưng bà con không đồng ý nên tụ tập ở UBND huyện để yêu cầu thực hiện chỉ đạo trước đó của tỉnh Thanh Hóa.
 

Theo công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hạn chót để Công ty P.N.T di chuyển đàn lợn ra khỏi trang trại tại xã Yên Tâm là ngày 24/10. Tuy nhiên, sau thời hạn này, doanh nghiệp chưa thực hiện di chuyển nên người dân tiếp tục tập trung phản ứng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 4, hàng trăm người dân xã Yên Tâm từng kéo đến cổng trại lợn dựng lều lán tập trung la ó, ngăn chặn việc vận chuyển thức ăn vào công ty.
 
Ông Nguyễn Thành Chinh, Phó giám đốc Công ty TNHH P.N.T, cho biết: Hiện công ty đang tích cực đấu mối cùng chính quyên địa phương giải quyết vụ việc. Chúng tôi cũng đã triển khai nhiều biện pháp cải tạo môi trường. Hiện doanh nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn nên chưa thể di chuyển đàn lợn nái đi nơi khác, chúng tôi đã hạn chế tối đa những tồn tại trước đó và được cơ quan chức năng ghi nhận nỗ lực. Mong muốn của chúng tôi là tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.
 
Được biết, trang trại nuôi lợn của Công ty P.N.T đi vào hoạt động từ năm 2009 với quy mô đăng ký 1.200 lợn nái giống. Tuy nhiên, sau đó công ty này cơi nới, mở rộng trang trại nuôi thêm gần 5.000 lợn thương phẩm khiến tình trạng quá tải, ô nhiễm xảy ra nghiêm trọng. Sau khi có phản ứng từ người dân hồi tháng 4, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động nuôi heo thương phẩm và chỉ giữ lại đàn heo nái.
 
Vụ việc đang được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt, giao các ngành Công an, Tài nguyên - Môi trường và chính quyền huyện Yên Định theo dõi sát sao diễn biến vụ việc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân nhằm ổn định tình hình.
                                                                                                                       
Tân Thành Hữu Chí
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top