Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2014 | 7:39

Người dân kêu cứu vì “lệnh” cưỡng chế thiếu khách quan?

Xây dựng công trình trên đất nhằm mục đích chăn nuôi, phát triển kinh tế từ những năm 2006, tức đến nay đã được 7 năm mà không hề có bất kì ý kiến gì của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mới đây UBND xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn bỗng nhiên “dáng chỉ” yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, khôi phục tình trạng ban đầu trong sử dụng đất đai, khiến hộ ông Lê Văn Vang, trú tại thôn Kim Trung, xã Kim Lũ rơi vào cảnh hoang mang, đệ đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng. 

Gần 10 năm đang làm ăn ổn định, hộ ông Lê Văn Vang đột nhiên nhận được “cháp” của chính quyền địa phương yêu cầu dỡ bỏ công trình đã tồn tại nhiều năm.  Không đồng tình với các quyết định trên, ông Vang đã làm đơn khiếu nại về các quyết định liên quan của địa phương. 

Theo ông Lê Văn Vang (SN 1974), việc UBND xã ban hành quyết định về việc “Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - Buộc khôi phục tình trạng ban đầu trong sử dụng đất đai” đối với gia đình ông là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ.

Bởi, gia đình ông đã xây dựng công trình trên đất từ những năm 2006 tức là đến nay đã được 7 năm, chính quyền biết nhưng không xử lý. Điều đó cho thấy rằng, việc xây dựng công trình đã được làm trước khi Nghị định được ban hành gần 03 năm và đến thời điểm xử lý là gần 8 năm, Nghị định trên không có giá trị hồi tố nên không thể áp dụng biện pháp khắc phục đối với đất đai, công trình trên đất theo NĐ 105/2009/NĐ-CP được nếu hành vi này không vi phạm  các vấn đề về an ninh quốc gia, văn hóa, phúc lợi xã hội.

Trình bày về nguồn gốc khu đất, ông Vang cho hay, vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, bố mẹ ông Vang là ông Lê Văn Thảo và bà Nguyễn Thị Ổn đã khai hoang được một khu đất khoảng 1.650 m2 tại khu vực thùng sâu giáp Cống bờ Chỗ, thôn Kim Trung. Một phần khu đất này trước đây là gò đất ven bờ đầm sâu, để hoang không ai quản lý, gia đình ông Vang đã san lấp, cải tạo để sử dụng ổn định hàng chục năm nay, được nhiều người ở địa phương thừa nhận.

Từ năm 2003, do bố mẹ ông tuổi cao sức yếu đã giao lại toàn bộ khu đất này cho vợ chồng ông quản lý, sử dụng. Vợ chồng ông Vang đã vay mượn tiền của để tiến hành làm chuồng trại tạm để chăn nuôi, đến năm 2006 đã cơ bản xây dựng được 4 gian chuồng trại là lều, lán để chăn nuôi và một gian bảo vệ khoản 30m2 để phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Việc xây dựng công trình tạm trên đất khai hoang của gia đình ông đều được chính quyền địa phương biết rõ – ông Vang cho biết thêm.


Tìm hiểu của phóng viên được biết, để giải quyết tình trạng “vi phạm” của gia đình ông Vang, ngày 18/6/2013 UBND xã Kim Lũ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc “Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - Buộc khôi phục tình trạng ban đầu trong sử dụng đất đai” và ngay sau đó 10 ngày, ngày 29/6/2013 Chủ tịch xã đã ký quyết định số 93/QĐ-UBND về việc Cưỡng chế thi hành quyết định nói trên và cùng ngày nói trên ký Thông báo buộc gia đình tôi phải tự tháo dỡ công trình, chặt bỏ cây cối xong trước ngày 5/7/2013. Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, mới đây, ngày 27/12/2013, gia đình ông Vang tiếp tục nhận được thông báo đề ngày 26/12/2013 về việc thay đổi thời gian cưỡng chế và sẽ tổ chức cưỡng chế gia đình ông vào ngày 3/1/2014.

Sự việc trên đã vấp phải những ý kiến bất đồng của người dân, đặc biệt gia đình ông Vang đã có công cải tạo mảnh đất suốt nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nguyệt, Bí thư huyện uỷ Sóc Sơn cho biết, huyện uỷ và UBND huyện đã tổ chức họp bàn về kế hoạch sẽ tiến hành cưỡng chế khu đất đầm liên quan đến ông Lê Văn Vang. “ Việc cưỡng chế này, huyện uỷ đã nghe báo cáo từ xã rồi. Ông Vang nuôi lợn gà để rông ra ruộng gây bức xúc người dân nên chúng tôi đã giao trực tiếp đồng chỉ Chủ tịch huyện đi kiểm tra, giải quyết theo đúng thẩm quyền. Việc cưỡng chế sẽ được tiến hành, tuy nhiên chính quyền sẽ thực hiện nhưng cũng phải cưỡng chế rất thận trọng” - ông Nguyệt khẳng định.

Về “tố cáo” của ông Vang việc các hộ khác cũng ở tình trạng tương tự như khu đất hiện ông này đang sử dụng, thậm chí họ còn xây dựng nhà kiên cố, ông Nguyệt cho hay, nhiều vi phạm của người khác tại xã Kim Lũ đã được chính quyền ra quân xử lý, giải quyết. Với việc chăn nuôi các hộ dân, chủ trương của huyện là khuyến khích. Nếu người dân đồng tình với việc làm của ông Vang thì địa phương cũng… đồng ý.

Bày tỏ quan điểm về vụ việc, Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hồ sơ ban đầu được cung cấp thì có thể thấy đây là đất khai hoang, không phải đất chuyên canh, công trình thuộc loại công trình tạm (chuồng trại, lều,…) để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên địa phương không thể thực hiện được việc cưỡng chế trong trường hợp cụ thể này” 

Thêm vào đó, theo lý giải của gia đình ông Vang về việc xây dựng công trình trên đất cách đây 7 năm, tức việc xây dựng công trình đã được làm trước khi Nghị định được ban hành gần 03 năm và đến thời điểm xử lý là gần 8 năm, Nghị định trên không có giá trị hồi tố nên không thể áp dụng biện pháp khắc phục đối với đất đai, công trình trên đất theo NĐ 105/2009/NĐ-CP được nếu hành vi này không vi phạm  các vấn đề về an ninh quốc gia, văn hóa, phúc lợi xã hội là hoàn toàn có tính pháp lí.

Hơn nữa, khi địa phương tổ chức cưỡng chế đối với công trình có vận nuôi thì cũng cần có sự kiểm đếm vật nuôi, bố trí tập kết vật nuôi, tài sản phục vụ chăn nuôi của người dân hợp lý… nên việc ban hành quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế là không phù hợp và thiếu tính khách quan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Vinh

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top