Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 18 tháng 8 năm 2015 | 8:13

Người trồng chè bức xúc vì bị “ép” quyền lợi

Thời gian gần đây, người trồng chè ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) khá bức xúc trước việc Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm làm hợp đồng “đè” hợp đồng, ép người dân về nhiều mặt... Thực hư của sự việc này thế nào, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã vào cuộc tìm hiểu.

Bà Lan bức xúc trước việc Cty CP Chè Sông Lô đâm đơn khởi kiện.

Hợp đồng “đè” hợp đồng

Nhiều hộ trồng chè ở Yên Sơn đang mất ăn mất ngủ vì vườn chè sau nhiều năm chăm sóc có nguy cơ mất trắng, nguyên nhân chính là do việc cổ phần hóa. Sau cổ phần, doanh nghiệp đã ép người dân đến “nghẹt thở”.

Được biết, 100% số hộ trồng chè trước đó đã ký giao khoán đất trồng chè ổn định, thời hạn 50 năm theo Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ nhưng nay Nghị định này đã được thay thế bằng Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ, thời hạn thay đổi xuống còn 30 năm. Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm đã ký hợp đồng mới với các hộ dân nhưng không thực hiện thanh lý hợp đồng cũ đã ký trước đó, khiến người dân bức xúc phản đối. Bà Đặng Thị Thuận, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn tâm sự: “Chúng tôi ký hợp đồng với công ty nhà nước, nay công ty cổ phần muốn ký một hợp đồng khác thì phải thanh lý hợp đồng trước đó”.

Theo Luật sư Trần Văn Lý (Văn phòng Luật sư số 1 - Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc), hợp đồng đã ký theo Nghị định 01/NĐ-CP nay chuyển sang ký theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP thì quyền và trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp nhà nước là Công ty CP chè Sông Lô và Công ty CP chè Mỹ Lâm. Khi thay đổi hợp đồng, các doanh nghiệp không được thay đổi nội dung, hợp đồng đã ký với người lao động, chỉ thay đổi  thời hạn giao khoán đất từ 50 năm xuống 30 năm, nên quyền và lợi ích của người lao động không bị thay đổi.

UBND tỉnh Tuyên Quang cần xem lại

Bà Nguyễn Thị Lan (xóm 17, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn) là một trong những người đang nhận khoán đất và tài sản trên đất là vườn chè theo Nghị định 01/NĐ-CP ngày 4/1/1995 với Công ty chè Sông Lô. Nhưng hiện nay, một số hộ dân đang bị Công ty CP chè Sông Lô khởi kiện ra Toà án nhân dân huyện Yên Sơn về tranh chấp hợp đồng giao khoán đất trồng chè, nợ tiền vật tư, tiền trồng chè mới… Được biết, tiến hành cổ phần hóa, các công ty này đều nói rõ rằng chỉ cổ phần hóa nhà máy chế biến mà không cổ phần hóa phần sản xuất nông nghiệp (vườn chè).

Đến nay, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa ra quyết định về việc thu hồi đất của Công ty chè Sông Lô (trong đó có diện tích giao đất khoán cho các hộ) để giao cho Công ty CP chè Sông Lô thuê hay giao đất có thu tiền sử dụng đất. Nhưng UBND tỉnh Tuyên Quang lại ban hành Quyết định số 261/QĐ - UBND ngày 23/7/2013 về việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Công ty CP chè Sông Lô tại: Đội Bình, Hoàng Khai, Kim Phú, Nhữ Khê, thị trấn Tân Bình thuộc huyện Yên Sơn. Diện tích bị thu hồi trên bao gồm toàn bộ đất và tài sản trên đất là vườn chè và hệ thống ao hồ được Công ty chè Sông Lô là doanh nghiệp nhà nước giao khoán ổn định, lâu dài cho người lao động.

Theo Quyết định 1877/QĐ - UB và 1449/QĐ - UB thì Công ty CP chè Sông Lô chỉ thực hiện cổ phần hóa phần nhà máy chế biến, không cổ phần hóa đất nông nghiệp và giá trị vườn chè đã được giao cho các hộ dân. Nếu Công ty CP chè Sông Lô muốn thuê lại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất thì công ty phải được UBND tỉnh ra quyết định về việc thu hồi đất của Công ty chè Sông Lô (doanh nghiệp nhà nước trước đây - PV) để giao cho Công ty CP chè Sông Lô thuê hay giao đất có thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại Điều 32 Luật Đất đai 2003.

Trên thực tế, Công ty CP chè Sông Lô chưa được quyền sử dụng và quản lý toàn bộ diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất đã được nhà nước giao khoán cho các hộ dân và không phải là chủ thể của các hợp đồng giao khoán đất theo Nghị định 01/NĐ-CP trước đây. Đối với tài sản trên đất là giá trị vườn chè thì người nhận khoán đất có trách nhiệm trả giá trị vườn chè cho nhà nước trong thời gian 10 năm. Hiện nay, nhiều vườn chè đã được người lao động trả xong giá trị cho nhà nước; một số vườn chè của người lao động chưa trả hết nên tổng số giá trị vườn chè không phải là hoàn toàn của Nhà nước mà gồm cả Nhà nước và người lao động.

Theo đơn kiến nghị của bà Lan và các hộ dân thì Công ty CP chè Sông Lô, Công ty CP chè Mỹ Lâm lợi dụng Quyết định 261/QĐ - UBND của UBND tỉnh Tuyên Quang để gây khó dễ cho người trồng chè, khiến cho người dân  bức xúc.

Theo luật sư Trần Văn Lý, việc công ty CP tiến hành khởi kiện các hộ dân đã có hợp đồng nhận khoán theo Nghị định 01/CP hay Nghị định 135/2005/NĐ-CP là không đúng vì các công ty CP chưa phải là chủ thể của hợp đồng, nên không có quyền khởi kiện.

(Còn nữa)

Hoàng Văn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top