Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 11 năm 2014 | 11:6

Nhà máy xả thải, người dân bức xúc

KTNT  - Người dân xã Nam Giang (Nam Đàn – Nghệ An) bức xúc bởi Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex xả thải khiến môi trường bị ô nhiễm, ruộng đồng không thể canh tác.
 
 
Ai dám chắc nước đã xử lý, thải ra hồ sinh học này, rồi lại xả ra sông Đào đủ tiêu chuẩn?
  
Dân kêu vì ô nhiễm
 
Tại xóm 1, xã Nam Giang, một trong những xóm nằm sát Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex, nhiều gia đình “cửa đóng then cài” để tránh mùi hôi thối. Ông Trần Hữu Chiến bức xúc cho biết: Người dân vô cùng  bức xúc khi phải sống chung với mùi khó chịu. Khổ nhất là những ngày mưa xong rồi nắng lên là không chịu được vì nồng nặc. Hai năm nay, tôi cho bà cụ nhà mình xuống nhà chú ở, chứ sợ sức khoẻ yếu không chịu được mùi xú uế bốc lên nằng nặc”.
 
Có mặt tại hồ nước thải của Cụm khu công nghiệp Nam Giang, quả như lời người dân phản ánh, nước thải được dẫn qua một đường ống nhựa rồi thải trực tiếp ra hồ, màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.  Theo anh Ngô Văn Tiến ở  xóm 1, gia đình anh bỏ hoang hơn 5 sào ruộng vì lúa bị nước thải của nhà máy may xả trực tiếp ra ruộng, khiến cho lúa non chết hết. Bức xúc quá, anh lên xã kêu, xã bảo lên huyện và  phải mất  8 - 9 lần lên xã rồi sang huyện thì gia đình anh mới được huyện bảo kê khai thiệt hại để hỗ trợ. Như gia đình anh Tiến, 13 hộ dân ở xóm 1 và xóm 2 cũng trong tình trạng mất trắng lúa vì ô nhiễm.
 
Một số người cao tuổi khi tiếp xúc với phóng viên đều than thở: “Ai dám chắc không ảnh hưởng đến sức khoẻ của dân. Trong làng bây giờ nhiều người mắc bệnh viêm xoang, chỉ mong cấp trên có phương án xử lý để dân đỡ khổ”.
 

Người dân bức xúc khi ruộng đồng bỏ hoang không sản xuất được do ô nhiễm.
 
 
Chờ phương án xử lý?
 
Việc ô nhiễm từ Cụm khu công nghiệp Nam Giang là nghiêm trọng, trong đó gây ô nhiễm nặng nhất là Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex. Trước bức xúc của người dân, UBND xã Nam Giang đã có văn bản báo cáo vấn đề này lên huyện. Thế nhưng, theo lời ông Trần Hữu Vạn, Chủ tịch UBND xã Nam Giang, đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND huyện nhưng phương án xử lý đến nay vẫn chỉ là tạm thời.
 
Ông Vạn cho biết: Nước thải ở Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex  không được xử lý mà theo đường ống nhựa chạy thẳng ra môi trường, tràn ra ruộng, khiến lúa chết, cuộc sống của bà con nhiều năm qua bị ảnh hưởng vì môi trường ô nhiễm, đặc biệt những hộ dân ở xóm 1, xóm 11, khu vực gần nhà máy. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Nam Đàn, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phòng đã cử cán bộ xuống tận nơi kiểm tra nhưng cũng chỉ mới đánh giá được cảm quan chứ không có máy móc thiết bị để kết luận được. Tuy nhiên, theo cảm quan thì ô nhiễm mùi hôi thối là có thật. Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện và huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo Cụm khu công nghiệp, Ban quản lý Cụm công nghiệp khẩn trương thực hiện đưa vào sử dụng hệ thống nước thải bằng bể lắp ngang và hồ sinh học tự nhiên. Sau khi xử lý, nước thải sẽ được xả ra sông Đào bằng đường ống nhựa cách khu công nghiệp 620m. Bằng mắt thường quan sát, lượng nước thải từ nhà máy được đổ vào 3 cái hồ không có nắp đậy, mùi hôi thối bốc ra, không ai dám chắc rằng lượng nước thải này đã được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
 
Trong khi đó, nơi mà nước thải xả ra cuối cùng là sông Đào lại là nguồn nước thu của Nhà máy Nước TP. Vinh và đây cũng chính là nguồn nước sản xuất của Nhà máy Bia Sài Gòn. “Nên chăng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra nguồn nước thải ra ở sông Đào có đảm bảo tiêu chuẩn hay ảnh hưởng đến đời sống của người dân thành phố”, ông Trần Hữu Vạn kiến nghị.
 
Trao đổi với phóng viên về vấn đề ô nhiễm tại Cụm khu công nghiệp Nam Giang, trong đó có Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex, ông Bạch Hưng Cử, Phó hiám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho rằng, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, cụ thể là UBND huyện Nam Đàn. Theo ông Cử, về nguyên tắc, khi thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, huyện phải có đề án bảo vệ môi trương chi tiết,  báo cáo đánh giá tác động môi trường và Ban quản lý Cụm công nghiệp phải có trách nhiệm xử lý đạt tiêu chuẩn và có cam kết bảo vệ môi trường của nhà đầu tư khi họ vào hoạt động. Tuy nhiên, ở đây, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chưa tiến hành quan trắc, các hạng mục đầu tư sản xuất của dự án không đúng với quy định. Kết quả phân tích chất lượng môi trường chỉ tiêu ColiJorm vượt 1,6 lần.
 
Không thể phủ nhận, từ khi Cụm khu công nghiệp Nam Giang đi vào hoạt động, đã mang lại diện mạo mới cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Thế nhưng, môi trường ô nhiễm đang khiến cho người dân nơi đây hết sức khốn khổ.
 
Người dân gần Nhà máy May Nam Đàn Hanosimex và Cụm khu công nghiệp Nam Giang mong các ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, có kết luận cụ thể đánh giá về tác động ô nhiễm môi trường; đồng thời có giải pháp xử lý ô nhiễm đế bà con không còn phải khốn khổ vì sống trong môi trường ô nhiễm.
 
Đình Lam
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top