Dự án Nhà máy Thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa) được giám sát nghiêm ngặt về môi trường, thế nhưng trong khi thi công, nhà thầu lại ngang nhiên đổ nhiều khối bê tông thành phẩm xuống bờ sông Mã. Điều đáng nói là, chủ đầu tư lại không hay biết việc này (!?).
Tổng mức đầu tư Dự án thủy điện Trung Sơn là hơn 410,68 triệu USD, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB) là 330 triệu USD.
“Bức tử”... bờ sông Mã
Phản ánh tới Báo Kinh tế nông thôn, người dân xã Trung Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà thầu Dự án Nhà máy Thủy điện Trung Sơn là liên danh Nhà thầu Sam Sung C&T và Công ty cổ phần Xây dựng 47, trong quá trình thi công đã đổ hàng trăm khối bê tông thành phẩm xuống 2 bờ sông Mã phía hạ nguồn nhà máy. Các vị trí đổ bê tông nằm trên đường dẫn vào nhà máy nhưng chủ đầu tư lại không hề hay biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Có mặt tại thực địa, theo quan sát của phóng viên, bờ bên phải sông Mã (nhìn từ nhà máy xuống) có từ 5-7 điểm đổ bê tông xuống bờ sông. Có điểm lượng bê tông chạy dài theo mép bờ sông khoảng 2m, chảy xuôi xuống phía dưới mặt nước 5-7 m, có nhiều vị trí lượng bê tông dày 20-40cm.
Tại bờ trái sông Mã, lượng bê tông đổ ra ngoài nhiều hơn. Có vị trí bê tông chạy từ mép bờ sông xuống gần tới mặt nước dài 15 - 20m; chiều rộng 40-50cm, cá biệt có chỗ rộng tới 1m; dày 20-30 cm. Vào đầu tháng 6, khi phóng viên tác nghiệp tại đây bắt gặp một lượng bê tông thành phẩm lớn mới đổ ra bên ngoài còn chưa kịp khô. Trước thực trạng này có hai vấn đề cần làm rõ. Một, lượng bê tông đổ ra bờ sông Mã lấy ở đâu? Hai, vị trí đổ bê tông có đúng quy hoạch đổ bãi thải không?
Trao đổi về nguồn gốc bê tông đổ ra bờ sông Mã, ông Trần Tuấn Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, chủ đầu tư Dự án, cho biết: Công trình này nhà thầu đã đấu thầu làm theo đúng bản vẽ kỹ thuật, khi nghiệm thu chủ đầu tư nghiệm thu theo đúng khối lượng trong bản vẽ kỹ thuật. Còn việc nhà thầu làm thừa đổ đi đâu thì chúng tôi không quan tâm. Ví dụ, mẻ này cần 100 khối nhưng có thể họ trộn tới 110 khối, làm xong thừa họ đổ đi, đấy là việc của họ, lãng phí nhà thầu phải chịu.
“Có mẻ trộn bê tông khi kiểm tra không đạt chất lượng họ phải đổ bỏ”, ông Nam nói.
Dự án thủy điện Trung Sơn được khởi công tháng 11/2012, thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy có công suất lắp đặt 260 MW, bao gồm 4 tổ máy. Sản lượng điện tương ứng 1,018 tỉ kWh/năm. Tổng mức đầu tư hơn 410,68 triệu USD, trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 330 triệu USD và vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hơn 80 triệu USD. |
Chủ đầu tư buông lỏng quản lý!?
Trả lời câu hỏi tại vị trí bờ sông nơi nhà thầu đổ bê tông theo quy hoạch có được phép đổ không? Ông Nam cho biết, Dự án Thủy điện Trung Sơn được Ngân hàng Thế giới yêu cầu về môi trường rất nghiêm ngặt, nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với các dự án khác. Ngoài chủ đầu tư giám sát còn có đơn vị giám sát độc lập và đơn vị giám sát môi trường do Ngân hàng Thế giới thuê nên việc đổ thải ảnh hưởng tới môi trường chủ đầu tư sẽ xử lý nghiêm”.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để nhà thầu đổ bê tông ra bờ sông mà không biết, ông Nam thừa nhận có phần buông lỏng quản lý, nói đúng hơn là không bao quát được hết, chính vì vậy đã để xảy ra sai xót này.
Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Hồ Kiên Trung, Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Tổng cục sẽ có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thành lập đoàn kiểm tra xác minh nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng, từ đó sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Một số hình ảnh Nhà thầu Dự án Nhà máy Thủy điện Trung Sơn “bức tử”... bờ sông Mã:
Đình Thành
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.