Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 10 năm 2014 | 12:2

Nhà văn hoá phường biến thành... bãi trông xe!

KTNT – Nơi dành cho giao lưu văn nghệ, hội họp, vui chơi giải trí, các hoạt động mang tính quần chúng "biến" trở thành bãi trông giữ xe khiến người dân bức xúc suốt thời gian qua.
 


Theo thông tin bạn đọc phản ánh đến cơ quan báo chí, UBND phường Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) đã “biến” nhà văn hóa làm nơi kinh doanh, trông giữ xe trái phép, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động, sinh hoạt văn hóa chung của người dân sống tại phường.
 
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo chính quyền phường Khương Đình. Bà Bùi Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường, phụ trách quản lý nhà văn hóa, cho biết: “Việc sử dụng nhà văn hóa làm nơi trông giữ xe là có thật và cũng là chủ trương của phường. Chúng tôi biết như vậy là sai, tuy nhiên cũng chỉ trông giữ xe vào ban đêm, số lượng xe khoảng 20 - 30 chiếc và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân”.
 
Khi được hỏi: UBND phường triển khai sử dụng nhà văn hóa vào mục đích trông giữ xe có lấy ý kiến đồng thuận của người dân không? Bà Hiền khẳng định: “Có”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được tiếp cận văn bản cuộc họp, ý kiến của người dân thì bà Hiền không đưa ra được chứng cứ nào.
 
 Mới đầu giờ chiều nhưng có hàng chục chiếc xe "nằm nghỉ" trong sân nhà văn hóa.

Được biết, nhà văn hóa phường Khương Đình có tổng diện tích khoảng 5.000m2 , trong đó ½ diện tích (tương đương với 2.500m2) đã được cho thuê làm 2 sân tennis, phần còn lại được xây nhà văn hóa cùng các phòng làm việc.
 
Diện tích sân ngoài trời phục vụ cho các hoạt động cộng đồng của bà con phần lớn đã bị sử dụng làm bãi trông xe. Vào giờ cao điểm, có khoảng 35 - 60 chiếc xe ô tô được tập kết về đây, không kể ngày đêm. Như vậy, thử hỏi người dân lấy đâu ra chỗ mà sinh hoạt văn hóa?
 
Theo đó, hàng tháng nhà văn hóa phải nộp về cho ngân sách của phường 20 triệu đồng. Đổi lại, Ban quản lý nhà văn hóa muốn cho bao nhiêu xe thuê chỗ và thu với mức giá vé bao nhiêu một tháng tùy ý.
 
Một điều nghịch lý nữa, trong khi chúng ta đang thiếu nơi vui chơi giải trí, nơi tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng cho người dân cũng như các em thiếu niên nhi đồng thì chính quyền phường Khương Đình lại “vẽ ra” chuyện kinh doanh trái phép này nhằm mục đích kiếm lời bất chính?!

 Theo người dân, việc để bãi tập kết rác thải cạnh nhà văn hóa là không hợp lý!

 
Và chỉ cần làm một phép tính đơn giản: một xe phải nộp phí trông giữ khoảng từ 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng, với 60 xe là gần 60 triệu đồng/tháng.
 
Vậy một năm thì con số khoảng 700 triệu đồng, quả là khoản thu không nhỏ. Trong khi nhà văn hóa chỉ nộp cho phường  240 triệu đồng/năm. Vậy còn lại hơn 500 triệu đồng đi đâu? Và được sử dụng vào việc gì?.
 
Xin dành câu trả lời cho chính quyền phường Khương Đình./.
 
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.
 
Nhất Nam – Đình Dũng
 
 
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top