Hàng loạt nhà xưởng, bãi tập kết VLXD hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại ngõ 95 và 97 đường Gia Thượng thuộc P. Thượng Thanh, Q. Long Biên (Hà Nội) nhưng chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý dứt điểm!?
Nhiều nhà xưởng ở phường Thượng Thanh xây dựng luộm thuộm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Sai phạm tồn tại nhiều năm
Vài năm trở lại đây, tại khu vực đê sông Đuống thuộc tuyến đường Nam Đuống, đường Gia Thượng, thuộc địa bàn phường Thượng Thanh xuất hiện hàng loạt nhà xưởng và bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) lấn chiếm hành lang đê sông Đuống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn của tuyến đê, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ,… Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa xử lý dứt điểm?
Nhiều người dân trên địa bàn bức xúc cho biết: Nếu như người dân bình thường khi xây dựng nhà cửa, quán xá mà lấn ra một chút là bị lực lượng chức năng đến kiểm tra, lập biên bản và xử lý ngay. Thế nhưng, không hiểu vì sao, nhà xưởng được xây dựng hoàn toàn lấn chiếm hành lang đê và không có giấy phép lại vẫn ngang nhiên được tồn tại để hoạt động sản xuất? Trong khi, đã có nhiều văn bản từ Bộ Nông nghiệp và PTNT gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều.
Từ thông tin người dân phản ánh, PV đi tìm hiểu thực tế và thấy đường đê sông Đuống thuộc tuyến đường Nam Đuống, đường Gia Thượng có hàng loạt nhà xưởng hoá chất, than, VLXD. Tại đây, hoạt động sản xuất than và hoá chất hoạt động ầm ĩ cả một vùng.
Quan sát thấy hai doanh nghiệp (Công ty VLXD và XNK Hồng Hà, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt) có hàng trăm lao động đang hối hả sản xuất. Điều hết sức nguy hiểm là nhà xưởng tạm bợ, chật chội nhưng hầu như không có các thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt năm 2020. Ảnh: VOV
Cũng ở khu vực này, hơn một năm trước, ngày 30/6/2020, xảy ra vụ cháy nhà xưởng hóa chất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt (ngõ 95 đường Gia Thượng). Vụ hỏa hoạn đó tuy không thiệt hại về người nhưng là sự cảnh báo cho chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp hoạt động ở đây về việc không tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng chống cháy nổ.
Chính quyền chậm xử lý?
Trả lời báo chí mới đây, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, thừa nhận: “Đối với hoạt động nhà xưởng, hiện tại khu đất đó đang được cổ phần hoá gọi là đất Hồng Hà, còn về hồ sơ pháp lý của khu đất đó tôi không nắm bắt được. Còn khu đất tại ngõ 97 đường Gia Thượng được đăng ký sản xuất rau sạch, còn nếu hoạt động sản xuất khác hay nhà xưởng, chúng tôi sẽ xử lý ngay, việc dựng nhà xưởng đó không có giấy phép xây dựng. Việc bãi tập kết vật liệu xây dựng tại ngõ 97, UBND phường đã đề nghị và yêu cầu cam kết phải giảm tải để không ảnh hưởng tới hệ thống đê điều”.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình, đổ đất san lấp mặt bằng và tập kết, kinh doanh VLXD vi phạm chỉ giới đê điều.
Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai còn có hiện tượng né tránh, hiệu quả xử lý thấp. Các đơn vị liên quan thực hiện chưa tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm đê điều của UBND thành phố.
Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc đã được giải quyết còn rất thấp so với tổng số vụ vi phạm.
Thiết nghĩ, chính quyền và các cơ quan chức năng quận Long Biên, TP. Hà Nội cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, không thể để tình trạng xây dựng và hoạt động không phép kéo dài của hàng loạt nhà xưởng, bến bãi tập kết VLXD như vậy ở phường Thượng Thanh.
Gần 300 gốc đào bích của người dân tại thôn Phù Trì, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) bị kẻ gian chặt hạ cành, gây thiệt hại tiền tỷ, trong khi thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ không còn bao xa. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng phá hoại này.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.