Trên thị trường xuất hiện quá nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng khiến nông dân hoang mang mỗi khi mua phân về sử dụng.
Vậy làm cách nào để phân biệt phân bón giả, phân bón kém chất lượng? Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã hướng dẫn phân biệt phân bón giả với phân bón thật.
Phân bón giả gây hệ lụy nặng nề
Thống kê từ Bộ CôngThương cho thấy, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Mặc dù liên tục phát hiện và xử phạt, tuy nhiên, phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân vừa mất tiền, vừa mất công sức mà không thu được gì, còn các doanh nghiệp sản xuất chân chính phải gánh chịu thiệt hại.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, theo quy định, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. Hậu quả của việc dùng phân bón giả sẽ làm chết cây hàng loạt, đất đai bị thoái hóa, thiệt hại nặng về kinh tế. Nhiều loại phân bón giả được làm bằng chất thải công nghiệp, bón nhiều sẽ gây ngộ độc cho cây, cho đất. Cây trồng không hấp thụ được dinh dưỡng sẽ gây vàng lá và rụng trái. Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, năng suất cây trồng và môi trường.
Về lâu dài còn ảnh hưởng đến tài nguyên đất, làm giảm giá trị dinh dưỡng của đất, gây ô nhiễm môi trường. Các chỉ tiêu không được kiểm soát nằm trong phân bón giả còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường; chất lượng, sức khỏe của người sử dụng; ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối thương hiệu và ngành sản xuất phân bón.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, việc kiểm tra phân bón giả thời gian qua có gặp một số khó khăn, tồn tại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đầu tiên là tính “siêu lợi nhuận” của phân bón giả làm cho các đối tượng có hành vi, mong muốn tột cùng. Thứ hai, các đối tượng còn dựa vào chính sách khuyến khích đầu tư của Đảng, Chính phủ để “lách luật”, tổ chức sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhận thức người dân còn yếu, ít bị cơ quan quản lý kiểm soát. Họ thành lập nhà máy rồi sản xuất, xong lại bỏ xưởng, bỏ tên doanh nghiệp để gian lận. Ngoài ra, nguồn lực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn còn mỏng, hạn chế nên cần các giải pháp đồng bộ, căn cơ.
Cách nhận biết phân bón giả
Theo Cục Bảo vệ thực vật, có nhiều cách để nhận biết, phân biệt giữa phân bón giả với phân bón thật, tùy theo loại phân bón. Đối với phân kali clorua (KCl) thông thường chứa 60% K2O, đây là loại phân chứa kali phổ biến nhất, cũng là loại phân phải nhập khẩu 100%.
Phân kali clorua cũng là loại phân bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân. Trên thị trường hiện có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân kali clorua về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của kali, nhưng thực chất chỉ có 10-30% là ôxit kali, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ. Do đó, khi mua hàng mà trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều là hàng giả, hàng nhái.
Đối với phân kali sunfat (K2SO4) chứa 50% K2O, quan sát bằng mắt thường có màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phải nhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đá vôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cách phân biệt: cho 7-10g phân vào cốc nước trong. Nếu là phân kali sunfat thật, phân sẽ tan hết trong nước, dung dịch có màu trong suốt. Nếu là phân giả, có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.
Đối với phân urê, trên thị trường hiện nay có hai loại phân urê chính là loại hạt trong và hạt đục; cả hai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng nitơ như nhau, tối thiểu là 46%. Phân urê hạt trong là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuy nhiên, đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân urê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân urê.
Đặc điểm để nhận biết là phân urê thật chỉ có dạng hạt tròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh. Hiện nay nước ta có 2 nhà máy sản xuất urê hạt trong là Đạm Hà Bắc và Đạm Phú Mỹ, còn lại là urê nhập khẩu.
Do đó, phân urê của các cơ sở sản xuất khác ở trong nước đều là hàng giả, kém chất lượng. Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua 2 loại urê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc urê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.
Phân urê hạt đục là loại phân rất tốt, do Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất. Loại phân này có dạng hạt to, đường kính hạt 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Đây là loại phân rất khó làm giả hoặc việc làm giả không đem lại lợi ích đáng kể. Bà con nông dân có thể an tâm khi mua và sử dụng loại phân này.
Đối với các loại phân hỗn hợp NPK, rất khó phân biệt thật – giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Kinh nghiệm chung để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân NPK là chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của công ty đó.
Theo kinh nghiệm của Công ty CP Phân bón Ba Lá Xanh, có nhiều cách đơn giản để người nông dân có thể tự tay kiểm tra, phân biệt phân bón NPK giả, phân bón kém chất lượng. Theo đó, bà con mua một ít lượng phân bón NPK về cho vào chai nước lọc lắc nhẹ khoảng 3-5 phút, nếu phân bón NPK tan hoàn toàn là phân bón thật, không tan trên 50% là phân bón giả, không tan trên 30% là phân bón kém chất lượng.
5 giải pháp cơ bản
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đưa ra 5 giải pháp cơ bản để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thứ nhất, rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh.
Thứ hai, phối hợp giữa ngành Nông nghiệp, Công an, Biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cả mặt hành chính, thương mại để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Có các chương trình kết hợp với nhau để cơ quan chức năng xử lý nghiêm từ các tin tố giác.
Thứ ba, tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho tất cả đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý, chính quyền địa phương, người dân để nhận biết rõ hàng giả, hàng nhái.
Thứ tư, tổ chức triển khai các mô hình chuỗi liên kết giữa hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để đưa bộ sản phẩm có uy tín, thương hiệu đến người dân.
Thứ năm, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm phải có giải pháp bảo hộ với sản phẩm của mình, giúp cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm.