Nhiều tuyến phố thông thoáng sau chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè của TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành. (Theo Vnexpress) |
Trưởng Ban 197 thành phố đề xuất Thành ủy, UBND TP có văn bản chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, chính quyền các cấp và các sở, ngành phải đi đầu trong thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phải bố trí cán bộ, nhân viên điều hành nhắc nhở, tránh tình trạng đỗ xe sai quy định gây cản trở giao thông.
Để không có tình trạng tái lấn chiếm, Ban 197 cho rằng việc kiểm tra, xử lý phải đi kèm với công tác bố trí, sắp xếp hợp lý phục vụ cho việc kinh doanh, đi lại, đỗ xe cũng như thu nhập của người bị xử lý thì công tác này mới bền vững (đề xuất chọn tuyến phố bán hàng rong; mở rộng các tuyến phố đi bộ; tổ chức khẩn trương rà soát các quỹ đất, các điểm của người dân hoặc của chính quyền quản lý mà có thể phục vụ cho công tác này thì cần ưu tiên đưa vào quy hoạch cấp phép và giải quyết sớm các thủ tục).
“Các buổi trưa, chiều đang có hiện tượng cửa hàng ăn bày biện cho khách ngồi la liệt ở vỉa hè”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chống tái lấn chiếm, nhắc nhở các hộ kinh doanh, người dân chấp hành nghiêm việc giữ gìn trật tự vỉa hè./.
Báo cáo của Ban 197 cho thấy, trong tháng 5, có 100% các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức triển khai giải tỏa, cưỡng chế, phá dỡ các bục, bệ, cầu dắt xe, hè nhà dân, mái che, mái hiên, mái vẩy... chiếm dụng hè phố, lòng đường.
Các lực lượng đã tháo dỡ 620 ô dù, biển quảng cáo và trên 1.170 đồ vật vi phạm, dỡ bỏ 465 lều quán mái che mái vẩy, 300 bục bệ cầu dẫn các loại.
Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh đã lập biên bản xử phạt hơn 7.500 trường hợp, nộp kho bạc hơn 3,6 tỷ đồng. Cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý hơn 44.000 trường hợp, phạt tiền hơn 13 tỷ đồng. Thanh tra giao thông xử lý 2.600 trường hợp, phạt tiền hơn 4,7 tỷ đồng.