Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 10:13

Nhiều địa phương “ráo riết” thu hồi dự án chậm tiến độ

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành trên cả nước tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án triển khai đầu tư, sử dụng đất chậm tiến độ, có dấu hiệu sai phạm để xem xét xử lý, thu hồi theo quy định.

1.jpg
Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh tại 2 phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai - Hà Nội) bỏ hoang 10 năm nay.

 

“Đắp chiếu” hàng chục năm

Tại Hà Nội,  theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, thành phố đang có 383 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất, trong đó có 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất, 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đáng chú ý, 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định về pháp luật đất đai. Những quận, huyện có số dự án trễ tiến độ nhiều nhất phải kể đến là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…

Điển hình là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi, sau 17 năm triển khai, vẫn chỉ là khu “đô thị hoang”, cỏ dại mọc um tùm.

Ngoài ra, còn nhiều dự án trong tình trạng tương tự như: Dự án khu nhà ở Văn La - Văn Khê, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Sông Đà Sudico; Dự án xây dựng Nhà máy gia công cơ khí, khuôn mẫu chính xác và sản xuất sản phẩm nhựa công nghiệp,  chủ đầu tư là Công ty TNHH Thành Trang; Dự án xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cơ khí, chủ đầu tư là Công ty Vận tải và Xây dựng…

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh này vừa yêu cầu xem xét tính khả thi của 2 dự án chậm tiến độ là Khu dân cư dịch vụ – du lịch Làng chài Điện Dương và Khu dân cư – Tái định cư Hà My Đông A tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.

Cùng với đó là Dự án Khu du lịch sinh thái núi Bằng Am (huyện Đại Lộc),  được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 7/2010, với quy mô hơn 315ha và do Công ty cổ phần Quảng Cường làm chủ đầu tư, nhưng đã hơn 10 năm, dự án này vẫn là “chiếc bánh vẽ”. Trong khi đó, thắng cảnh Bằng Am bị “băm nát”.

Hay tại Thanh Hóa, Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn có diện tích 35,78 ha (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.430 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích phát triển cho 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án vẫn trong tình trạng dừng thi công, bỏ hoang, gây lãng phí đất đai. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ 102 tháng…

Mạnh tay thu hồi dự án chậm tiến độ

Cuối tháng 8/2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hà Nội có báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất, triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP.Hà Nội, báo cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại. Trong đó, có các dự án triển khai quá chậm, đề nghị UBND thành phố rà soát, xem xét, chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất.

Cụ thể, dự án nhà ở cán bộ chiến sỹ Interpol của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Hà tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), có quyết định chủ trương đầu tư năm 2009. Kết quả rà soát, dự án không triển khai, nhà đầu tư nhiều năm không liên hệ để GPMB, UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị chấm dứt dự án.

Hay Dự án khu dịch vụ thương mại và nhà ở tại thôn Đào Nguyên, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) của Công ty CP đầu tư đô thị và các khu công nghiệp Hoài Đức, có quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2008. Qua rà soát, dự án không phù hợp quy hoạch phân khu đô thị S3 được duyệt. Nhà đầu tư không liên hệ với Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Tương tự, tại Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã tiến hành thu hồi đất tại 12 dự án. Theo đó thu hồi 8,4ha đất tại dự án mở rộng Khu nhà ở của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà ở và Đô thị IDICO; thu hồi 1,3ha đất tại dự án Khu ký túc xã công nhân của Công ty CP Miền Đông; thu hồi 0,64ha đất tại dự án Trảng Bom Plaza của Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi)…

Ngoài những dự án nhỏ bị thu hồi, nhiều dự án “khủng”  có diện tích ‘siêu lớn” cũng bị thu hồi. Đó là trường hợp của 2 ông lớn trong ngành bất động sản, Thuduc House và TMS.

Cụ thể, UBND TP Cần Thơ đã mạnh tay thu hồi dự án Khu đô thị mới - Khu 3 (Lô số 14A) do Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư (quy mô dự án hơn 51 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.620 tỷ đồng) và Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cần Thơ) do Công ty CP Toàn cầu TMS (thuộc Tập đoàn TMS) làm chủ đầu tư (dự án có diện tích 75ha. TMS dự kiến đầu tư 1.570 tỷ đồng). Theo cơ quan chức năng, hai dự án bị thu hồi đều chậm tiến độ.

Được biết, đây không phải là dự án đầu tiên của TMS Group chậm tiến độ. Tại Vĩnh Phúc, Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói (tại xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc) của TMS Group có tổng diện tích lên đến 200 ha. Theo cam kết của chủ đầu tư, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào quý I/2011 và dự kiến hoàn thiện sau đó 1 năm. Tuy nhiên, 10 năm qua, dự án này vẫn ở trong tình trạng “án binh bất động”, chưa được triển khai xây dựng.

Cần có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư

Dưới góc độ chuyên gia, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định, nhiều dự án chậm tiến độ là do có dấu hiệu lợi ích nhóm.

“Tình trạng dự án bỏ hoang đất là phổ biến, không phải là hãn hữu, mà gần như xảy ra ở tất cả các địa phương. Tại nước ta, lợi dụng sự lỏng lẻo của chính sách đất đai, các đại gia thu tiền từ đất rất lớn. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất dẫn đến Nhà nước thiệt hại rất nhiều”, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, chúng ta đã có quy định về xử lý các dự án treo. Theo đó, các dự án hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định tại Luật Đất đai 2013 đã rất rõ ràng, nhưng thực tế xử lý các dự án treo còn rất yếu. Dự án bỏ hoang đất dẫn đến lãng phí cũng cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm.

“Cần hoàn chỉnh cơ chế Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Cần cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các tiêu chí hình thức như “chứng minh tài khoản của mình có bao nhiêu tiền” cũng cần phải lược bỏ, cần học tập kinh nghiệm của các nước phát triển đưa ra các tiêu chí gắn với báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo kiểm toán hằng năm”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh

Về phương diện quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng tại nước ta còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB. Ngoài ra, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng.

Để chấm dứt điểm tình trạng này, cơ quan chức năng tại các địa phương cần  tăng cường công tác thanh, kiểm tra và đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Tiếp tục xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai, đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top