Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 4 năm 2015 | 7:31

Nhiều nghi vấn xung quanh bằng cấp của Trưởng ban Quản lý danh thắng và di tích Thanh Hóa

Bị tố cáo là không biết tiếng Anh, không biết công nghệ thông tin nhưng Trưởng ban Quản lý  di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hóa Phạm Văn Tuấn vẫn có bằng tiến sĩ. Sự thật vụ việc này như thế nào?

Trong đơn gửi báo Kinh tế nông thôn, một số công dân tố cáo bằng tiến sĩ của ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Thanh Hóa “có vấn đề”. Đơn nêu: “Mặc dù ông Tuấn có bằng tiến sĩ nhưng lại không biết tiếng Anh, không biết sử dụng vi tính…”.

Trong hồ sơ cán bộ của ông Tuấn lưu tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa hiện có bằng tiến sĩ nhân học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp ngày 16/7/2008.

Một trong những bằng cấp của ông Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn cho rằng, ông được đào tạo tiếng Pháp chứ không phải tiếng Anh. Trong hồ sơ công chức của ông Tuấn, ngoài bằng tiến sĩ, còn có Giấy chứng nhận ngoại ngữ tiếng Pháp của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cấp ngày 10/6/1989.

Giấy chứng nhận này ghi rõ, ông Tuấn học xong chương trình A, tiếng Pháp. Tuy nhiên, giấy chứng nhận ngoại ngữ trên có những thông tin “bất bình thường” như tên Bộ và tên trường cấp không trùng khớp với tên trên thực tế tại thời điểm được cấp.

Cụ thể, Giấy chứng nhận ghi là “Trường Đại học Ngoại ngữ”, tuy nhiên, thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Trường Đại học Ngoại ngữ (http://ulis.vnu.edu.vn) thì: “Năm 1955, trường được thành lập với cái tên Trường Ngoại ngữ do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp làm hiệu trưởng. Trường khai giảng khoá học đầu tiên ngày 05/9/1955 tại Khu Việt Nam học xá - Bạch Mai - Hà Nội.

Năm 1958, trường được sáp nhập vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành Khoa Ngoại ngữ sau đó phát triển thành 4 khoa ngoại ngữ (Nga văn, Trung văn, Anh văn và Pháp văn). Ngày 14/8/1967, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 128/CP thành lập Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trên cơ sở 4 khoa ngoại ngữ này. Ngày 10/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở sáp nhập ba trường đại học: Trường ĐHTH Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội. Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội có tên “Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN” bắt đầu từ đây”.

Tức là từ sau năm 1993, trường mới có tên là Trường Đại học Ngoại ngữ. Còn thời điểm ông Tuấn được cấp chứng nhận (năm 1989), trường vẫn mang tên “Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội”. Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận của ông Tuấn lại có tên là “Trường Đại học Ngoại ngữ”(?!).

 Ông Tuấn cho rằng, ông được đào tạo Tiếng Pháp chứ không phải Tiếng Anh. 

Ngoài tên trường cấp bằng, tên của Bộ chủ quản cũng không trùng khớp với tên thực tế. Trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (tại địa chỉ http://tcdn.gov.vn/Default.aspx?tabid=82&IntroId=586) ghi rõ: Giai đoạn từ năm 1987 - 1990: Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề chỉ còn là Vụ Đào tạo nghề. Hệ thống đào tạo nghề còn 198 trường, quy mô đào tạo còn 78.000 học sinh/năm”.

Tức là vào thời điểm ông Tuấn được cấp bằng (1989), Bộ chủ quản của Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội mang tên là “Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề”, tuy nhiên giấy chứng nhận ngoại ngữ của ông Tuấn lại ghi Bộ chủ quản là “Bộ Đại học và THCN”.

Từ 2 yếu tố trên có thể thấy “nghi ngờ” của dư luận là có cơ sở. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ sự việc.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến mới của vụ việc này đến bạn đọc.

Lê Duy

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top