Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 2 năm 2017 | 5:45

Nhịp cầu bạn đọc số 2-2017: Đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội vào cuộc giải quyết

KTNT - Thời gian qua, Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của người dân phản ánh một số vấn đề bức xúc xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội. Đề nghị thành phố sớm chỉ đạo ngành chức năng giải quyết các vụ việc theo quy định.

Đơn của ông Đinh Văn Quyền, ở số nhà 23, ngách 15/2, ngõ 15, phố Phương Mai, phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Mở cửa sai quy định?

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Đinh Văn Quyền, ở số nhà 23, ngách 15/2, ngõ 15, phố Phương Mai, phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) phản ánh, gia đình ông Lê Việt Hùng, ở số nhà 57, phố Phương Mai cải tạo nhà khi chưa được các cơ quan cấp phép; tự ý mở cửa đi phía sau sai quy định (theo quy định ngõ rộng trên 2m mới được mở, thực tế ngõ 15 chỉ rộng có 1,4m).

Trước thực trạng trên, gia đình ông Quyền đã trình báo UBND phường Phương Mai nhưng phường chưa có động thái xử lý dứt điểm. Đặc biệt, phường Phương Mai chưa làm rõ được việc trước đây tại vị trí mở cửa hiện nay đã có cửa nhưng đã xây bịt lại, nay gia đình ông Hùng mở cửa mới chứ không phải do cửa quá rộng nay ông Hùng chỉ thu hẹp lại.

Về nội dung phản ánh của ông Đinh Văn Quyền, Báo Kinh tế nông thôn chuyển đơn về UBND phường Phương Mai xem xét giải quyết theo quy định.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 169 Phúc Tân, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Xây nhà sai phép chưa bị xử lý

Gửi đơn đến Báo Kinh tế nông thôn, ông Đặng Phúc Quý, số nhà 3 ngõ 175 Phúc Tân, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm - Hà Nội) phản ánh, gia đình ông Nguyễn Tấn Mộng Lân, chủ đầu tư số nhà 169, Phúc Tân khi cải tạo, sửa chữa nhà đã tự xây dựng thêm 1 tầng, 1 tum, sai phạm về mật độ xây dựng, xây tầng hầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ.

Nghiêm trọng hơn, gia đình ông Lân đã tự ý thiết kế, tự ý thi công không đúng theo quy định. Trong quá trình xây dựng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà và sự an toàn tính mạng cũng như tài sản của gia đình ông Quý.

Trong đơn ông Quý cho biết, UBND phường Phúc Tân đã thờ ơ, thiếu năng lực quản lý và có hành vi bao che cho vi phạm của gia đình ông Lân.

Cụ thể, UBND phường Phúc Tân không thực hiện đúng quy chế công khai dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường như: không công bố đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị phá dỡ vận chuyển phế thải. Không công bố tất cả các văn bản xử lý sai phạm để các đoàn thể và nhân dân giám sát theo đúng quy chế công khai dân chủ trong hoạt động quản lý trật tự xây dựng.

UBND phường Phúc Tân mời 2 gia đình lên hòa giải, tìm hướng xử lý nhưng đến nay hai gia đình vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, việc xây nhà trái phép của gia đình ông Lân vẫn chưa bị xử lý.

Báo Kinh tế nông thôn kính chuyển đơn của gia đình ông Đặng Phúc Quý về phường Phúc Tân xử lý theo quy định.

Người dân ở TDP Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khốn khổ vì dự án rùa bò của Tập Đoàn Nam Cường.

Khốn khổ vì dự án rùa bò

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của người dân ở Tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phản ánh, hơn 10 năm nay, họ phải sống trong tình cảnh khốn khổ vì dự án rùa bò do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư được UBND TP.Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2004. Đến tháng 8/2006, UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 112.768m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) để thực hiện xây dựng dự án.

Nhưng khi thực hiện dự án, không hiểu vì sao 5.953m2 của 71 hộ dân ở phường Cổ Nhuế 1 nằm trong quy hoạch không được chủ đầu tư giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Từ đó đến nay, đã hơn 10 năm, những người dân có đất nằm trong diện quy hoạch luôn phải sống trong tình cảnh nhà xuống cấp nhưng không được xây mới, sửa chữa; đường sá không được đầu tư xây dựng dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vào mùa mưa bão; môi trường ô nhiễm, thậm chí không được sử dụng nước sạch...

Nhiều lần các hộ dân làm đơn kiến nghị đến các cấp lãnh đạo nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, phía chủ đầu tư luôn né tránh, không có câu trả lời dứt khoát cho người dân.

Báo Kinh tế nông thôn chuyển đơn phản ánh của người dân ở Tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1 đến UBND TP.Hà Nội và Tập đoàn Nam Cường giải quyết theo quy định.

Ban bạn đọc

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top