Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 3 năm 2021 | 17:20

Những sai phạm nghiêm trọng tại các điểm khai thác tài nguyên khoáng sản

Dù mới được cấp phép thăm dò, chưa được giao đất thực địa, chưa có thông báo chương trình và khối lượng thăm dò, nhưng đơn vị doanh nghiệp đã tự ý đưa máy móc, thiết bị vào khu hoạt động rầm rộ, khiến dư luận người dân địa phương bất bình phản đối...

Liên quan đến phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) về việc, năm 2019 khu vực lèn Chu, làng Dủa chỉ mới được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về mặt chủ trương thăm dò đá vôi làm đá ốp, lát và đá xây dựng nhưng đã có người đưa máy móc vào hoạt động mở đường, cắt xẻ đá như mỏ đã được cấp phép. Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã ráo riết kiểm tra và tình trạng khai thác đá "chui" mới tạm dừng.
 
Đến cuối tháng 12/2020, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, nhưng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An giao đất thực địa, cũng chưa có Thông báo chương trình và khối lượng thăm dò đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn đã đưa máy móc, thiết bị vào khu vực Lèn chu hoạt động rầm rộ.
0406_image_7.jpg
Khu vực mới được Bộ tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò (Nguồn: Ngày mới Online)
Có mặt, tại lèn Chu những ngày cuối tháng 12/2020, chúng tôi thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại khu vực này, nhiều con đường đã được mở, máy múc đang hoạt động ngay trên đỉnh núi, bên cạnh đó là những phiến đá đã được cắt vuông vắn.
 
Trao đổi với báo chí, ông Vi Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho hay: "Công ty An Lộc Sơn chưa báo cáo với chính quyền địa phương về việc thăm dò, và cũng chưa bàn giao đất thực địa, tôi sẽ cho anh em lên kiểm tra".
 
Theo đó, ngày 25/12 UBND xã Thọ Hợp đã có Biên bản làm việc với Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn và yêu cầu: Công ty dừng ngay mọi hoạt động san gạt, làm đường, di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò, phối hợp với cơ quan thẩm quyền và chính quyền địa phương xác định cụ thể diện tích, toạ độ, mốc giới khu vực thăm dò thể phối hợp quản lý.
 
Tìm hiểu được biết, ngày 9/12/2020, Bộ tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 236/ GP – BTNMT cho phép Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn thăm dò đá hoa Dolomit làm đá ốp lát với diện tích 45,69ha; khối lượng công tác thăm dò: Theo đề án thăm dò đã được Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và thông qua; thời gian thăm dò 36 tháng; chi phí thăm dò bằng nguồn vốn tự có của công ty.
 
Tại Giấy phép số 236 nêu rõ, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn có trách nhiệm: Nộp lệ phí cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản và các khoản phí có liên quan theo quy định hiện hành. Thực hiện đề án thăm dò theo phương pháp và khối lượng của đề án thăm dò khoáng sản đã được Bộ tài nguyên và Môi trường chấp thuận và theo các quy định khác của pháp luật có liên quan; thi công các hạng mục công việc đúng quy trình kỹ thuật, thu thập tổng hợp đầy đủ, chính xác các kết quả thăm dò...
0756_image_9.jpg
Nhiều phiến đá được cắt vuông vắn  (Nguồn: Ngày mới Online)
Thông báo kế hoạch, thời gian triển khai thi công các hạng mục thăm dò cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong quá trình thăm dò. Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn chỉ được phép thực hiện công tác thăm dò sau khi thông báo chương trình và khối lượng thăm dò cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương để phối hợp quản lý kiểm tra và xác định cụ thể diện tích, toạ độ, mốc giới khu vực thăm dò khoáng sản thực địa.
 
Quỳ hợp là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú đa dạng, được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác hàng chục mỏ đá, quặng... Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng khai thác kiểu “thổ phỉ” vẫn diễn ra. Ông T.M.Th, trú tại Thọ Hợp, Quỳ Hợp cho biết: “Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã có rất nhiều công ty mượn cớ "thăm dò" để khai thác đá, quặng trái phép. Như chỗ Lèn Chu các chú cứ nhìn đi, mặc dù mới cấp phép thăm dò đã khai thác, mở đường như một cái mỏ hoạt động nhiều năm”.
 
Nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như "chỉ đạo" của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giấy phép thăm dò số 236, thiết nghĩ, chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan cần kiểm tra chặt chẽ đề án thăm dò, phương pháp và khối lượng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tránh tình trạng doanh nghiệp mượn cớ “thăm dò" để khai thác khoáng sản.

Phá rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Cụ thể, ngày 24/2 vừa qua, UBND huyện Tân Sơn nhận được Báo cáo số 05/BC-HKL ngày 24/2/2021 của Hạt Kiểm lâm Tân Sơn về việc phá rừng đặc dụng tại khu Hạ Bằng, xã Kim Thượng.

Ngay sau đó, tại Văn bản số 88/UBND-NN, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Tạ Ngọc Yến đã chỉ đạo giao Công an huyện Tân Sơn chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tân Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, UBND xã Kim Thượng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cũng yêu cầu Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn, Chủ tịch UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, UBND xã Kim Thượng và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện.

 

3545_pha_ryng_2.jpg
Khu vực rừng đặc dụng bị "lâm tặc" chặt phá tại Vườn quốc gia Xuân Sơn. Nguồn ảnh: Báo Phú Thọ

Trước đó, ngày 22/2, Hạt Kiểm lâm Tân Sơn phối hợp Vườn Quốc gia Xuân Sơn trong quá trình tuần tra rừng tại khu Hạ Bằng, xã Kim Thượng, phát hiện có khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá (thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 300, rừng đặc dụng do Vườn quốc gia Xuân Sơn quản lý) với diện tích rừng bị chặt phá là 2799 m2.

Trên diện tích đó có 46 cây tái sinh gồm các loại: Sung, Huday, mò, lá nến, ba gạc, lộc vừng, ngát, vàng anh, sồi,... Có 30 cây đã bị chặt hạ có tổng khối lượng 4,252 m3; 16 cây chưa bị chặt hạ, nhưng có 3 cây đã bị tiện gốc với trữ lượng khoảng 2,997 m3.

Một lao động thiệt mạng vì quặng rơi vào đầu

Mới đây, tại điểm mỏ do Công ty TNHH Hiệp Thành khai thác thuộc bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) vừa xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến một người bị thiệt mạng do quặng rơi vào đầu.

Nạn nhân được xác định là anh Lò Văn Điếng (SN 1998). Chính quyền huyện Điện Biên Đông cho biết, khoảng 16 giờ ngày 5/3, khi đang lao động tại mỏ chì ở bản Huổi Tao A, xã Pu Nhi, anh Lò Văn Điếng bị đá quặng rơi vào vùng đầu, gây chấn thương nghiêm trọng.

 

tai-nan-mo-chi.jpg
Hình minh họa

Dù nạn nhân đã được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu ngay sau đó nhưng do vết thương quá nặng nạn nhân đã tử vong.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng huyện Điện Biên Đông đã có mặt để bảo vệ hiện trường, khám nghiệm tử thi, đồng thời tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân.

Một nguồn tin cho biết, Công ty TNHH Hiệp Thành tỉnh Điện Biên có địa chỉ tại Phường Thanh Bình, Tp. Điện Biên Phủ là đơn vị đang trực tiếp khai thác mỏ chì nói trên.

 

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top