Giữa tháng 2/2022, nhiều người dân xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên - Nghệ An) gửi đơn đến các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương phản ánh về những việc làm trái khoáy của chính quyền địa phương.
Qua điều tra, xác minh, gặp gỡ người dân, làm việc với lãnh đạo xã… thì thấy phản ánh và kiến nghị của người dân là có cơ sở.
Hưng Lợi nằm ven đê Tả Lam, phía Đông huyện Hưng Nguyên, giáp với TP. Vinh, có di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền ông Hoàng Mười. Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
“Dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản Hưng Lợi-Hưng Nguyên-Nghệ An” (gọi tắt là Dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản) được triển khai theo Quyết định phê duyệt số 918 QĐ/UB ngày 13/3/1997 của UBND tỉnh Nghệ An. Dự án triển khai ở xóm 6, xã Hưng Lợi, bao gồm 103ha mặt nước nuôi thủy sản và 20ha trồng rừng phòng hộ, có thời gian xây dựng từ năm 1997 đến năm 2000 và được thực hiện nuôi trồng thủy sản theo hợp đồng của các hộ dân với UBND xã Hưng Lợi đến ngày 31/12/2019. Những việc làm trái khoáy của UBND xã Hưng Lợi bị người dân phản đối, kiến nghị đều xuất phát từ dự án này.
Việc làm trái khoáy đầu tiên là trước khi hết hạn thời gian thực hiện Dự án (ngày 31/12/2019), lẽ ra chính quyền xã Hưng Lợi và các hộ nuôi trồng thủy sản phải cùng lập bản thanh lý hợp đồng, hỗ trợ cho người dân đã có công khai hoang (đất thực hiện Dự án chủ yếu là đất hoang hóa), hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nuôi trồng thủy sản thì chính quyền lại bảo các hộ này ký vào một bản thanh lý hợp đồng khống chỉ rồi về xã tự viết (!). Chả biết về xã viết như thế nào và gửi lên huyện, lên Sở Tài chính ra sao mà trong công văn của Sở Tài chính Nghệ An số 4189/STC-QLG&CS ngày 28/10/2021 do Phó giám đốc Trần Việt Dũng ký có đoạn: “…Ngày 31/12/2019, UBND xã Hưng Lợi đã thanh lý hợp đồng với các hộ gia đình…”, và “…Không có cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân”.
Ông Trần Văn Bính nói: “Tin tưởng vào chính quyền xã Hưng Lợi sẽ bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi, nên chúng tôi mới ký vào hợp đồng thanh lý khống, nhưng kết quả lại trái ngược với mong muốn của người dân. Việc làm này của chính quyền không khác gì lừa người dân”.
Do không được Sở Tài chính bồi thường, hỗ trợ như đã nói ở trên, giữa năm 2021, Ban Chỉ đạo GPMB Dự án Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền thờ ông Hoàng Mười và nhà thầu công trình đã cử người đến đo đếm các hạng mục trên trang trại và ao nuôi trồng thủy sản của các hộ dân để hỗ trợ người dân một phần công khai hoang, nhưng vì dự kiến hỗ trợ quá thấp nên bà con chưa nhất trí (cũng hỗ trợ cho dân, ở Dự án bất động sản MB Land ở phía trên đó không xa, mỗi hộ dân được hỗ trợ từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, trong khi các hộ dân ở đây chỉ dự kiến được hỗ trợ cao nhất 40 triệu đồng).
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Thái Huy Dũng, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Nguyên, người quản lý Dự án Bảo tồn tôn tạo và mở rộng đền thờ ông Hoàng Mười, cho biết: Các hộ nuôi trồng thủy sản đang đòi hỗ trợ cao hơn nên Ban chưa giải quyết.
Còn trong buổi làm việc với ông Phan Hữu Đạo, Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi chiều 23/2, ông Đạo nói rằng, Hợp đồng đã thanh lý nên Sở Tài chính không cấp tiền hỗ trợ, khi phóng viên hỏi, tại sao xã lại lừa dân ký khống chỉ vào hợp đồng thanh lý, ông Đạo ngồi im!
Việc làm trái khoáy thứ 2 mà UBND xã Hưng Lợi để dân khiếu kiện là việc giữ lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (Bìa đất) của một số hộ được cấp ở khu vực cầu Đen, xóm 8 xã Hưng Lợi. Đây là khu vực tái định cư cho các hộ dân ngoài đê Tả Lam di dời để tránh thiên tai. Bìa đất của các hộ này bị xã giữ lại với lý do, theo thông báo của UBND xã Hưng Lợi là, các hộ này “chưa giải tỏa công trình trên đất nuôi trồng thủy sản” tại xóm 6. Rõ ràng đây là 2 sự viêc hoàn toàn khác nhau, không có liên quan gì với nhau. Khi được phóng viên hỏi về việc này, Chủ tịch UBND xã Hưng Lợi Phan Văn Đạo cũng không trả lời.
Những người nuôi trồng thủy sản tại dự án ở xóm 6 cần cù, chất phác, lo lao động chăm chỉ để kiếm sống, họ đã đổ bao công sức để biến một vùng đất sâu nằm cạnh bờ đê Tả Lam, chứa đầy cỏ dại và bèo Tây thành vùng đất như bây giờ. Nay, Nhà nước thu hồi để mở rộng và bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng linh thiêng: Đền ông Hoàng Mười, chắc chắn người dân sẽ đồng tình và ủng hộ. Nhưng, cần hỗ trợ người dân tại khu vực này một cách minh bạch và thỏa đáng. Những việc làm trái khoáy của chính quyền xã Hưng Lợi như đã nói ở trên cần phải khắc phục, sửa chữa để tạo sự đồng thuận của người dân. Những Bìa đất xã đang giữ trái phép cần được trả lại cho người dân để họ xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.