Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 12 năm 2015 | 12:0

Những “cái nhất” trong vụ Võ Văn Minh tống tiền Tân Hiệp Phát

Hôm nay (17-12), ông Võ Văn Minh phải hầu tòa với tội danh cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát.

Phiên tòa đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng bởi tâm lý đánh giá “kẻ mạnh người yếu” giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, sự thực có phải như chúng ta nhìn nhận?

>> Nhìn lại vụ án Võ Văn Minh: Ai bị hại, ai hưởng lợi?

Dưới góc nhìn truyền thông, ông Tuấn Hà, Giám đốc điều hành Vinalink Media cho rằng, đây là vụ việc “đáng tiếc” cho cả hai bên. Sau vụ việc này, cả Tân Hiệp Phát, ông Minh và người tiêu dùng đều rơi vào cảnh: “chưa được vạ, má đã sưng” với những cái nhất khôn lường.

Tân Hiệp Phát đang chịu tổn thất nặng nề bởi các chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.

Cái thua lớn nhất

Trong phiên tòa đang diễn ra, anh Minh có khả năng phải đối diện mức án từ 12 - 20 năm tù bởi hành vi cưỡng đoạt tài sản của mình. Đây là tội danh đã được xác định chắc chắn bởi chính sự thú nhận của ông Minh cũng như căn cứ từ tang chứng, vật chứng, nhân chứng của vụ án.

Mặc dù Công ty Tân Hiệp Phát đã khẳng định không yêu cầu anh Minh bồi thường các thiệt hại, đồng thời, đây cũng là tình tiết đáng chú ý có thể giúp anh nhẹ bớt khung hình phạt. Tuy nhiên, vòng lao lý là điều gần như khó tránh khỏi với Minh bởi hành vi sai trái của mình.

Như vậy, rõ ràng cái thua lớn nhất mà người đàn ông này phải nhận chính là chốn lao tù. Thay vì ở nhà nuôi cha mẹ già, chăm con thơ dại, cùng vợ vun đắp cho gia đình thì anh Minh lại vào vòng lao lý. Cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, tâm lý bị ảnh hưởng và bản án là một vết thẹo mà vĩnh viễn không thể tẩy xóa trong phần đời còn lại của anh.

Suy cho cùng, anh Minh đã bị hại bởi chính lòng tham của mình, luật pháp vốn không bao giờ khoan nhượng với những hành vi sai trái. Mong rằng, đây sẽ là một bài học lớn để cảnh tỉnh những người khác tránh đi vào vết xe đổ của Minh.

Người tiêu dùng chọn mua Trà thảo mộc Dr Thanh.

Thiệt hại nặng nề nhất Việt Nam

Nếu như anh Minh vào vòng tù tội thì Tân Hiệp Phát cũng lao đao suốt cả năm qua bởi sự công kích của cộng đồng mạng. Ông Tuấn Hà cho rằng, vụ việc này đã khiến Tân Hiệp Phát bị thiệt hại lớn tới mức không thể đong đếm. Thậm chí lãnh đạo công ty còn phải trần tình, nếu người dùng quay lưng với sản phẩm thì DN có nguy cơ phá sản trong vài năm tới.

Có thể thấy sức công phá của cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam dưới sự “dẫn dắt” của một số đối tượng với ý đồ cạnh tranh không lành mạnh đã gây ra thiệt hại khôn lường cho Tân Hiệp Phát với con số ước tính lên đến hàng trăm triệu USD. Đây được đánh giá là mức thiệt hại lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng truyền thông xảy ra cho DN.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho rằng, đây là cái giá quá lớn mà Tân Hiệp Phát phải trả cho việc không thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật và tố giác tội phạm. Có lẽ những DN đã và đang là nạn nhân của những hành vi đe dọa, uy hiếp để tống tiền sẽ không phải lúc nào cũng đủ can đảm để thực hiện tố giác khi bị xâm phạm, khi mà việc xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu của DN không phải thành công một sớm một chiều.

Luật sư Cường cũng nhận định, “có thể với nhiều người, cách làm của Tân Hiệp Phát khiến họ không thoải mái nhưng xét về góc độ pháp lý, và tính minh bạch cho thị trường thì DN làm như thế là đúng”.

Như vậy, cả hai nhân vật chính trong vụ “chai nước có ruồi” đều chịu thiệt hại nặng nề, người thì tù tội, DN thì điêu đứng bởi chiêu trò “té nước theo mưa” để triệt hạ của đối thủ trong ngành.

Ông Võ Văn Minh bị bắt quả tang cùng tang vật

Dễ bị lôi kéo nhất

Trong vụ việc này, Luật sư Cương nhấn mạnh, chúng ta không thể không nhắc người tiêu dùng và cộng đồng người tham gia mạng xã hội cũng đang là đối tượng bị hại. Lý do bởi việc đồn thổi thông tin sai lệch gây nhiễu thị trường và cố gắng “lái” dư luận theo ý đồ của các đối tượng nêu trên nhằm mục đích triệt hạ đối thủ, thu lợi về cho mình đã tác động một cách trực tiếp tới tâm lý người tiêu dùng, gieo rắc nỗi hoang mang trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, dẫn tới phá hoại an ninh kinh tế, gây thiệt hại cho đất nước.

Nói như ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP)  thì tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngày một xuất hiện nhiều hơn với các chiêu thức tinh vi khiến NTD hoang mang, nghi ngờ, gây tổn hại cho các DN, nhất là các DN nội đại diện cho thương hiệu Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Trong hôm nay phiên tòa sẽ chính thức đưa ra phán xét cuối cùng về vụ việc vốn gây sốt cả năm qua. Mỗi người cũng sẽ có một cảm nhận, đánh giá của riêng mình về kết quả vụ án. Tuy nhiên, bạn đọc cũng cần nhìn nhận lại vụ viêc ở những chiều kích, góc cạnh khác nhau để có một cái nhìn khái quát và chân thực nhất để tránh bị lao vào cuộc chơi của các đối tượng xấu với ý đồ chống phá thị trường để trục lợi cho riêng mình.

Hải Hà

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Xử lý vấn nạn bơm tạp chất vào tôm: Cần giải pháp căn cơ

    Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi tổ chức, thu gom và vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Qua đó, đã phát hiện 2 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với số lượng hơn 33kg và 1 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất với số lượng trên 50kg. Tuy nhiên, những gì được phát hiện và xử lý chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

  • Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bột xương động vật từ nơi có dịch bò điên qua Campuchia vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo nóng

    Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND 6 tỉnh: Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, chấm dứt việc vận chuyển trái phép sản phẩm động vật được cho có nguồn gốc từ châu Âu (nơi có dịch bò điên) qua biên giới với Campuchia.

  • Huyện Cư Kuin: Sầu riêng non bị kẻ gian cắt phá

    Huyện Cư Kuin: Sầu riêng non bị kẻ gian cắt phá

    Lãnh đạo UBND xã Ea Hu (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc kẻ gian cắt phá hàng loạt trái sầu riêng non của người dân.

Top