Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 14:13

Niềm vui nhân đôi trên quê hương Phù Đổng

Nhân dịp đón Xuân mới 2021, xã Phù Đổng  (Gia Lâm - Hà Nội) cùng lúc nhận 2 niềm vui, đó là đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao và Quyết định công nhận “Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng” đạt 1 tỷ đồng/ha.

t26.JPG
Bà Bùi Thị Hoa, chủ vườn hoa giống 12.000m2.

 

Hoa giấy Phù Đổng đạt 1 tỷ đồng/ha

Ông Nguyễn Hồng Chương, Trưởng thôn Phù Đổng 1, cho biết, sau khi có quyết định chuyển 300ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa giấy, cây cảnh, cây ăn quả, cả xã đã có 441 hộ/706 người trồng hoa giấy, thu nhập bình quân đạt 1 tỷ đồng/ha.

Đây là hướng đi đúng của địa phương, riêng thôn Phù Đổng 1 có 2ha hoa giấy, gia đình tôi có 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), đã trồng cách đây 30 năm. Bình quân mỗi năm thu 1-2 vạn cây lớn, bé; loại to, đẹp từ 3-8 triệu đồng/cây, có khoảng 300 – 400 cây. Loại trung bình 400 - 500 cây, giá 2 – 3 triệu đồng/cây; số còn lại từ 70.000 đồng/cây trở lên.

Đầu ra cho hoa giấy khá rộng mở, cách đây hơn 10 năm, cứ đến phiên chợ Bưởi (Hà Nội) là tôi chở hoa giấy ra đấy bán. Nhưng nay khách đã đến mua tại vườn, chủ yếu các địa phương khu vực Bắc miền Trung, từ Quảng Trị trở ra. Hiện, đầu ra ngày càng rộng mở, Phù Đổng đã du nhập thêm nhiều dòng hoa giấy từ các tỉnh bạn và Thái Lan, Trung Quốc để làm phong phú thêm nguồn hoa của địa phương.

“Chăm sóc hoa giấy không khó, song, cần có kinh nghiệm nhất định và xem thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Ví như, nắng nhiều thì hoa đẹp rực rỡ, mưa nhiều hoa kém sắc màu. Để cây khoẻ, hoa đẹp bà con thường dâm cành vào mùa Xuân, hoặc cuối mùa Đông.

 

27.JPG

Ông Nguyễn Hồng Chương đang chăm sóc hoa.

 

Khi cây ra hoa phải chăm tưới, nhất là mùa nắng nóng. Gia đình tôi chủ yếu trồng trong chậu, cho rễ ăn sâu xuống đất, cây sống khoẻ, hoa đẹp, khi khách mua cũng không ảnh hưởng gì. Phù Đổng có 6 thôn, trong đó các thôn 1, 2, 3 đã chuyển sang trồng hoa giấy; 1 thôn chuyên trồng cam quýt, các thôn còn lại chủ yếu trồng lúa, rau. Riêng hoa giấy đạt 1 tỷ đồng/ha”, ông Chương cho biết thêm.

Cũng như ông Chương, bà Bùi Thị Hoa, thôn Phù Đổng 2, cho biết, bà trồng hoa giấy từ năm 2000 đến nay. Thời điểm này, việc trồng hoa giấy chưa nở rộ như ngày nay, do vậy, vườn của bà thường có nhiều cây cảnh khác nhau. Hoặc, có thêm cả hàng lá để đi bỏ mối ở chợ, ai mua cây gì thì đưa cây ấy. Chủ yếu là cây trang trí như thiết mộc lan, lan ý, trúc Nhật.

Từ năm 2015 đến nay, do thị trường ổn định, địa phương cho chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, tôi đã thuê 12.000m2 và chuyên canh hoa giấy từ bấy đến nay.

Theo bà Hoa, muốn có gốc hoa giấy to, đẹp phải nuôi dưới đất 3 -4 năm, gốc to, khoẻ mới đánh vào chậu. Hiện, loại gốc to như vậy, bà Hoa có trên 300 gốc/năm, khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/cây. Loại nhỏ 1- 2 tuổi từ 60.000-100.000 đồng/cây. Thị trường đầu ra là các địa phương trong cả nước, nhất là từ miền Trung các tỉnh trở ra Bắc.

Hoa giấy dễ sống, dễ chăm sóc, không có sâu bệnh, không cần phun thuốc trừ sâu hoặc các loại thuốc khác. Chỉ cần bón phân lân tổng hợp khi cây ra hoa, và biết cách hãm nước tưới để cây ra hoa tốt. Nếu nhiều nước, cây chỉ tốt cành lá, ít hoa và hoa không đẹp, không thắm sắc.

“Bình quân, mỗi năm gia đình tiêu thụ 3.000 - 4.000 cây hoa giấy lớn, bé. Để chăm sóc vườn hoa, gia đình phải thuê thêm 2 – 3 người lúc thời vụ, với giá 200.000 đồng/người/ngày. Trừ chi phí, mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng”, bà Hoa cho biết thêm. 

Xã nông thôn mới nâng cao

Để từng bước đô thị hóa nông thôn và nâng cao mức sống người dân, xóa dần khoảng cách nông thôn với đô thị, năm 2018, Gia Lâm đã lựa chọn Phù Đổng là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện để XDNTM nâng cao.

Vì vậy, xã đã động viên nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Đặc biệt, chuyển đổi thành công gần 300ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoa giấy, cây ăn quả, đem lại giá trị cao.

Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Đức Hồng, cho biết: “Phù Đổng hiện có 441 hộ/ 706 người làm nghề trồng hoa giấy, thu nhập bình quân trên 1 tỉ đồng/ha, bà con đã thực hiện nhiều kỹ thuật chăm sóc, cấy ghép chất lượng cao để cung cấp cây hoa cho thị trường cả nước.

Thu nhập bình quân đạt 55,2 triệu đồng/người (tăng 24,9 triệu đồng so năm 2015). Đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, Trung tâm văn hóa thể thao xã, lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời, vườn hoa, sân chơi, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp.

Xây dựng trường học đạt chuẩn mức độ 2, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, hiện, xã không còn hộ nghèo, an ninh chính trị được giữ vững. Tính đến hết năm 2019, Phù Đổng đã  đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp  và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Tháng 11/2020, xã Phù Đổng đã nhận được Quyết định công nhận Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng.  Đây là niềm vinh dự, tự hào của Phù Đổng nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung.

Thời gian tới, Phù Đổng cần gắn việc XDNTM kiểu mẫu với phát triển du lịch. Đưa địa phương sớm trở thành “Điểm du lịch” nổi tiếng của thành phố vào năm 2021, với sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa (quê hương của Phù Đổng Thiên Vương - người đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian), du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Vì vậy, xã cần sớm xây dựng các tour, tuyến du lịch, kết nối với các khu, điểm du lịch như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng; Làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ; Cơ sở thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp; Làng Chử Xá, quê hương Chử Đổng Tử, một  trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam”.

 

 

 

Yên Như
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top