Giáo viên và 33 học sinh ở điểm trường lẻ Văn Trị, thuộc Trường Tiểu học Hải Tân, xã Hải Tân (Hải Lăng - Quảng Trị) đang ngày ngày nơm nớp lo âu dưới mái trường đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trường xuống cấp nặng, các em học trong môi trường mất an toàn.
Điểm trường lẻ Văn Trị được xây dựng từ năm 1982. Trải qua 35 năm phục vụ việc dạy và học cho học trò vùng lũ thôn Văn Trị nhưng đến nay nó vẫn chưa hết “sứ mệnh lịch sử”. Hiện, điểm trường này vẫn là nơi 3 giáo viên bám trường để dạy cho 33 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3.
Cô giáo Hoàng Thị Lộc có 26 năm đứng trên bục giảng- cũng là một trong những giáo viên có thời gian gắn bó với điểm trường lẻ này lâu nhất tỏ ra buồn bã khi chúng tôi hỏi về điều kiện dạy học ở nơi này. Cô Lộc cho biết, học sinh theo học ở đây chủ yếu là con em của bà con làm nghề sông nước, số khác thì có cha mẹ đi làm ăn xa nên chúng chủ yếu ở nhà với ông bà nội ngoại. “Từ điểm trường này lên đến trường chính cách đến hơn 3km. Hầu hết bọn trẻ không có người đưa đón, chúng mới học lớp 1, 2, 3 nên chỉ có thể học ở đây. Phụ huynh đã khó khăn rồi nhưng trường lớp mục nát, tạm bợ, thiếu thốn trăm bề nên rất tội và thiệt thòi cho các em”, cô Lộc buồn bã nói.
Điểm trường lẻ này có 3 phòng học chính, 1 khu nhà vệ sinh. Vì được xây dựng từ thời bao cấp nên đến nay đã xuống cấp nặng nề. Trường thấp lè tè, mùa mưa nước tràn vào ngập lênh láng. Toàn bộ phần mái ngói đã rệu rã, cứ mưa là thấm dột toàn bộ các phòng. Kèo cột bằng sắt cũng rỉ sét, nằm lơ lửng trên trần nhà, chưa biết rơi rụng bất cứ lúc nào. Nền các phòng cũng bị nứt, lún. Phần tường nhà đã bong tróc gần như toàn bộ, nước thấm dột tạo thành những vết loang lổ ứa màu gạch. Các cửa chính, cửa sổ hầu hết đã hư hỏng, được đóng gia cố thêm bằng các thanh gỗ. Toàn bộ bàn ghế trong phòng học đều đã cũ, rệu rã, nhiều bàn ghế bị gãy nằm ngổn ngang… Bên ngoài điểm trường này nhìn tổng thể rất cũ nát, nhiều người lạ đi qua đây không thể ngờ rằng đó là nơi học tập của hàng chục học sinh.
Hôm chúng tôi ghé thăm đúng vào trước thời điểm cơn bão số 10 sắp đổ bộ. Cô giáo Hoàng Thị Lộc tha thiết nhờ ông Phạm Tài Trinh, Trưởng thôn Văn Trị kêu gọi phụ huynh đến giúp đỡ gia cố các cánh cửa để điểm trường có thể trụ được qua những ngày bão. “Năm nào cũng thế, chúng tôi đều huy động phụ huynh đến giúp các cô giáo dọn dẹp đồ dùng dạy học, kê bàn ghế, gia cố cửa. Hàng năm thôn có trích ít kinh phí, khi thì mua xi măng trám lại nền phòng học, khi thì dặm vá tường, cột nhưng có cũng như không. Bởi ngôi trường đã hết hạn sử dụng rồi, như răng bà già sắp rụng vậy, không thể gắng được thêm bao lâu nữa”, ông Trinh ca thán.
Cũng theo ông Trinh, thôn, xã đã rất nhiều lần kiến nghị, kêu gọi các ban ngành huyện, tỉnh quan tâm cấp kinh phí xây lại điểm trường mới cho các cháu học được an toàn. Tuy vậy, đến nay mọi thứ vẫn chưa được quan tâm, xem xét. Còn người dân nơi đây thì hầu hết đời sống còn gặp nhiều khó khăn, không thể có tiền góp để xây dựng trường.
“Tất cả mọi người đều lo lắng, cho con đi học ở đây không ai an tâm cả, nhất là vào mùa mưa lũ. Bởi trường xuống cấp nặng như thế này thì chưa biết có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong cấp trên, các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ kinh phí, giúp địa phương xây dựng điểm trường kiên cố, chắc chắn hơn để các cháu được học tập an toàn”, anh Phạm Tài Sỹ, một phụ huynh nêu nguyện vọng.
Đức Việt
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.