Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 8 năm 2009 | 1:39

Nông dân khó vay vốn kích cầu vì quá nhiều rào cản

Trong khi người dân tại nhiều vùng nông thôn đã bắt đầu được hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ thì nông dân xã Hòa Tâm (Đông Hòa - Phú Yên) vẫn đứng ngoài cuộc. Không phải bà con không muốn vay vốn với lãi suất ưu đãi mà do có nhiều rào cản khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn.

Nợ chống lên nợ

Thất bại liên tiếp từ những vụ tôm mấy năm trước khiến gia đình ông Huỳnh Cù ở thôn Phước Giang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Không chỉ thiếu nợ tại các đại lý thức ăn chăn nuôi, ông còn nợ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) huyện Đông Hòa 30 triệu đồng mà chưa có cách nào trả được. Ông Cù buồn rầu nói: “Biết để nợ kéo dài nhiều năm là mất uy tín với ngân hàng. Nợ lãi đã bằng nợ gốc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang treo ở ngân hàng nên muốn có vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi cũng đành chịu. Nếu kéo dài tình trạng này thì không biết bao giờ gia đình tôi mới trả hết nợ?”.

Ông Võ Văn Sỹ ở thôn Phước Long thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay Agribank Đông Hòa 40 triệu đồng từ năm 1999 để nuôi tôm sú, đến nay cũng chưa trả hết. Ông Sỹ than vãn: “Nuôi tôm thua lỗ, nợ lãi chồng lên nợ gốc nên không thể tiếp tục vay mới. Bây giờ muốn phát triển kinh tế tôi chỉ còn cách vay “nóng” bên ngoài”.

Nợ cũ chưa trả hết thì không được vay mới, quy định này đang đẩy hàng trăm hộ dân ở xã Hòa Tâm lâm vào cảnh túng quẫn, phải bỏ làng đi nơi khác làm ăn. Ông Huỳnh Tấn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, không thể thống kê được có bao nhiêu người trên địa bàn xã bỏ đi làm ăn xa, nhưng chắc chắn con số này không phải là ít.

Theo thống kê của Agribank Đông Hòa, hiện số nợ gốc khó đòi và nợ quá hạn trên địa bàn xã Hòa Tâm tại ngân hàng này đã lên đến 2,8 tỉ đồng với 218 hồ, trong đó nợ khó đòi là 2,7 tỉ đồng. Tất cả số nợ này đều đầu tư vào nuôi tôm sú. ông Đặng Tín, Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ, đồng thời tiếp tục xem xét đầu tư vốn để nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, thế nhưng kết quả mang lại không cao. Từ năm 2003 đến nay, Agribank hạn chế cho vay nuôi tôm, trong khi thu nhập của trên 95% hộ dân trong xã dựa vào loài thuỷ sản này”.

Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất
vì gặp phải quá nhiều rào cản rất khó tháo gỡ.

Chỉ 5% số hộ được vay vốn kích cầu

Dù chính sách kích cầu của Chính phủ đã được triển khai hơn 6 tháng nay, thế nhưng đến thời điểm này, chỉ có 61/1.211 hộ trên địa bàn xã Hòa Tâm tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất tại Agribank Đông Hòa với số tiền 913 triệu đồng, chiếm 5% tổng số hộ trong xã. Ông Lực cho biết, số vốn này tập trung vào những hộ chăn nuôi bò, còn hộ nuôi tôm chỉ đếm trên đầu ngón tay. ông Nguyễn Hữu Phú ở thôn Phước Lộc cho biết: “Nghe thông tin có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì mới thấy rắc rối trăm bề, nào là phải mua hàng sản xuất trong nước, phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ, không có nợ đọng kéo dài, những quy định này quá sức đối với chúng tôi”.

Một vướng mắc khác khiến nông dân Hòa Tâm không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tất cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 580ha nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng từ năm 2003, còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì rất ít hộ có. Trong khi đây là những tài sản có giá trị để thế chấp vay vốn phát triển kinh tế. “Người dân muốn vay vốn chỉ còn cách đề nghị xã ký giấy xác nhận số diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất ở để phía ngân hàng xem xét cho vay. Nhưng thường chỉ xem xét cho hộ không có nợ hoặc nợ có khả năng trả. Mức vay cũng chỉ vài triệu đồng, không đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của bà con”, ông Tín nói.

Trong khi người dân không có tài sản thế chấp để vay vốn, thì các tổ vay vốn của các đoàn thể trong xã lại hoạt động kém hiệu quả. Nếu như năm 2000, xã Hòa Tâm có 15 tổ vay vốn có thể đứng ra tín chấp với ngân hàng cho nông dân vay với mức tối đa 30 triệu đồng/hộ, thì nay chỉ còn 4 tổ tại các thôn Phước Lộc, Phước Long, Phước Tân và Đồng Bé. Những tổ vay vốn này cũng chỉ hoạt động cầm chừng, bởi hầu hết các thành viên trong tổ hộ nào cũng chồng chất nợ nần nên không thể tiếp tục vay vốn.

Ông Tín cho biết thêm, số vốn đầu tư cho 1ha tôm thẻ chân trắng xấp xỉ 200 triệu đồng. Với 580ha nuôi tôm, nông dân Hòa Tâm cần số vốn trên 100 tỉ đồng, trong khi tổng dư nợ cho vay mới của các ngân hàng tại địa phương chỉ đạt khoảng 4 tỉ đồng. Chỉ có 402ha nuôi trồng thủy sản được thả nuôi, diện tích còn lại bỏ hoang hoặc cho thuê. Hòa Tâm là xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, chiếm 26,3%, còn lại là hộ cận nghèo, hộ khá giả hầu như không có và là xã duy nhất của huyện thuộc diện khó khăn. Nếu ngành ngân hàng không linh hoạt trong việc cho vay vốn thì người dân khó có cơ hội khôi phục sản xuất, từng bước thoát nghèo.

Quang Thuần

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top