KTNT - Thời điểm này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ cà phê niên vụ 2017-2018. Tuy nhiên, điều bà con “đau đầu” không phải vì năng suất, giá cả mà là do cà phê bung hoa sớm.
Nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên bung hoa khi gặp mưa trái mùa.
Nguyên nhân được xác định là do bước vào vụ thu hoạch, Tây Nguyên xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, đến giữa tháng 11 thì xuất hiện mưa rải rác, tạo môi trường thuận lợi cho cây cà phê đồng loạt bung hoa. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua khoảng 1 tháng mùa nắng để dưỡng chất dồn lên những búp hoa, sau đó gặp nước, hoa cà phê mới nở đều và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa xuất hiện nên cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch đã ra hoa.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với 203.356ha, trong đó tập trung ở các huyện Cư M’gar, Buôn Hồ, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Păc, Buôn Đôn… Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được khoảng 50-60% diện tích. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê thu hoạch xong đã đồng loạt bung hoa; diện tích chưa thu hoạch thì hoa và quả lẫn nhau.
Ông Lê Đình Cường ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) cho biết: Nhà tôi có 6 sào cà phê, hiện thu hoạch xong khoảng 3 sào… Năm nay, do có mưa phùn nên hoa cà phê nở quá nhiều, gia đình đành phải dừng việc thu hoạch lại đợi khi hoa cà phê khô mới tiếp tục. Thế nhưng, để hoa cà phê khô thì phải mất ít nhất 1 tuần, trong khi quả cà phê đang chín đỏ vườn, gặp mưa cà phê rụng xuống đất, phải tốn thêm chi phí thu nhặt… Có một số hộ vẫn tiến hành thu hoạch, bất chấp cà phê ra hoa, được lợi là đỡ tốn công thu nhặt nhưng trái lại, thu hái trong lúc hoa cà phê đang nở sẽ gây rụng hoa, làm giảm năng suất năm sau.
Nông dân Tây Nguyên đau đầu vì cà phê bung hoa lúc thu hoạch.
Là người làm cà phê lâu năm ở Đắk Lắk, ông Phạm Văn Thân (xã Hòa Đông, huyện Krông Păc) chia sẻ: Khác với mọi năm, cà phê chỉ ra “hoa chanh” nhưng năm nay hoa ra rất đều ở tất cả các cành hữu ích. Nhiều người lo lắng vì hiện tượng cà phê ra hoa như thế này sẽ không đạt yêu cầu, vì dễ bị thối khi gặp sương muối và trong quá trình thu hái dễ bị gãy rụng, nấm bệnh, rệp tấn công, gây ảnh hưởng xấu tới sức đề kháng của cây, cũng như đe dọa đến năng suất cà phê vụ tới.
Không chỉ ở Đắk Lắk, các tỉnh khác như Đắk Nông, Lâm Đồng…, do ảnh hưởng của thời tiết, trời có mưa xuất hiện và kéo dài vào thời điểm này nên hầu hết các vườn cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch đều đồng loạt bung hoa với tỷ lệ 50-60%, có vùng lên tới 80%.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong điều kiện tự nhiên ở Tây Nguyên, việc tưới nước là biện pháp kỹ thuật có tính quyết định đến thời điểm ra hoa, cho năng suất mỗi niên vụ cà phê. Việc hoa cà phê nở sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê niên vụ tới. Hiện nay, ở Tây Nguyên chưa dứt hẳn mưa nên việc cây cà phê ra hoa sớm dễ gặp thời tiết bất lợi, làm thối hoa, không đậu quả. Còn nếu thời tiết thuận lợi hơn, hoa cà phê đã đậu được quả nhưng do chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết như thời gian nghỉ của cây, phân bón… nên cây không đủ sức, dẫn đến chất lượng quả cũng như năng suất cà phê vụ tới sẽ không cao.
Do vậy, theo các chuyên gia nông nghiệp, cách tốt nhất là bà con nông dân nên hái bỏ hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cà phê.
Bá Thăng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.