Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 2 năm 2016 | 2:56

Nông thôn Quảng Ngãi khởi sắc

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đến nay, tỉnh đã có 11 xã đạt 19 tiêu chí, 16 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 50 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 52 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 35 xã đạt từ 0-4 tiêu chí.

Nâng cấp hạ tầng

Để triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời ban hành các nghị quyết và quyết định quan trọng; cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thành phố và xã cũng ban hành các nghị quyết, quyết định chuyên đề về XDNTM, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các tiêu chí.

Huyện Nghĩa Hành vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Sở Nông nghiệp và PTNT, cơ quan Thường trực chương trình đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện chương trình.  Ngay từ khi triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về XDNTM luôn được quan tâm. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh - truyền hình tỉnh đã vào cuộc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch thực hiện chương trình; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương, tâm tư nguyện vọng của người dân, phản ánh các mô hình điểm, các cá nhân, tập thể điển hình. Đồng thời, phê phán tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thực hiện kém hiệu quả...

Nhờ tuyên truyền vận động, nhận thức về chương trình XDNTM trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, khắc phục được tư tưởng trông chờ ỷ lại của một bộ phận cán bộ và nhân dân, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; khuyến khích, động viên người dân tự nguyện tham gia đóng góp XDNTM bằng các công việc cụ thể như: hiến đất làm đường, kênh mương hay xây dựng các công trình công cộng; phá dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt hạ cây cối hoa màu để mở rộng, nắn thẳng đường giao thông; thắp sáng đường quê, làm vệ sinh môi trường.

Các cơ chế chính sách bước đầu đi vào cuộc sống, đã huy động được nguồn lực lớn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và tạo thêm động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Kiên cố hóa kênh mương nội đồng và giao thông nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện, hạ tầng nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc. Về giao thông nông thôn, đã có 867,7/1.598km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, đạt 54,3%; 617,6/1.924,4km đường trục thôn được cứng hóa đạt chuẩn, đạt 32,09%; 1.980/2.242,5km đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa , đạt 88% (trong đó đã cứng hóa 594,8km, chiếm 26,52%); 314,7/2.435,8km đường nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi, đạt 12,92%.

Riêng trong năm 2015, theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, 32 xã được hỗ trợ 20.253 tấn xi măng để cứng hóa 662 tuyến đường giao thôn nông thôn (tương ứng với hơn 140km đường). Một số xã thực hiện khá tốt cơ chế này, như: Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) với 2.833 tấn,  Bình Trung (huyện Bình Sơn) 1.834 tấn. Cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh để phát triển đường giao thông nông thôn đã được người dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, tháo dỡ bờ rào, phát quang cây cỏ... để xây dựng đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, toàn tỉnh có 17 xã (chiếm 10,36%) đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn.

Trong 5 năm qua, chương trình đã đầu tư xây dựng 1 cầu nông thôn, 1 trạm bơm và kiên cố hóa 245 tuyến kênh có tổng chiều dài 123,2km với tổng mức đầu tư gần 157 tỷ đồng. Đến nay, đã có 39 xã (chiếm 23,8%) đạt tiêu chí thủy lợi.

Toàn tỉnh có 184/184 xã có điện (trong đó xã An Bình, huyện Lý Sơn sử dụng điện năng lượng mặt trời). Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,76%. Đã có 116 xã (chiếm 70,7%) đạt tiêu chí số 4 về điện. Trường học các cấp đã thực hiện đầu tư xây mới và nâng cấp 41 trường học các cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở), trong đó xây mới 11 trường, nâng cấp 30 trường với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Đầu tư xây mới và nâng cấp 29 nhà văn hóa xã, 6 khu thể thao và sân vận động xã, 54 nhà văn hóa thôn và 6 khu thể thao thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã (chiếm 17%) đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

Qua 5 năm, bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình MTQG XDNTM và các nguồn vốn lồng ghép khác, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện hơn 300 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất các loại. Nội dung thực hiện chủ yếu là hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có giá trị, có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người tham gia, tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và một số mô hình cơ giới hóa sản xuất.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 76.989 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng gần 5.000 hộ so với năm 2011), chiếm 38,5% tổng số hộ nông dân trong toàn tỉnh. Nhiều địa phương đã tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiêu biểu như: xã Bình Dương (huyện Bình Sơn), xã Đức Phú (huyện Mộ Đức)...

Chợ Hôm, xã Bình Dương (Bình Sơn) do một người con của quê hương đầu tư xây dựng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30,5% (năm 2011) lên 45% hiện nay; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80 - 90%, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2015 còn 47%.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trung bình 3,23%/năm (trong đó miền núi giảm 6,8%/năm). Đến nay, toàn tỉnh đã có 49 xã (chiếm gần 30%) đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và có 38 xã (chiếm 23,2%) đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp nhưng 5 năm qua Quảng Ngãi đã huy động được 6.370,8 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình XDNTM, trong đó, ngân sách Trung ương 273.683 triệu đồng; ngân sách tỉnh 492.254 triệu đồng; ngân sách huyện, xã 486.087 triệu đồng; vốn lồng ghép 3.210.153 triệu đồng; vốn tín dụng 1.130.267 triệu đồng; vốn doanh nghiệp 264.792 triệu đồng; cộng đồng dân cư 297.679 triệu đồng; nguồn khác 215.713 triệu đồng.

Số lượng tiêu chí NTM bình quân/xã đã tăng thêm 5 tiêu chí so với năm 2011. Đến cuối năm 2015, đã có 11 xã đạt chuẩn NTM, tương đương 6,7%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chương trình còn chậm so với bình quân chung của cả nước, số xã đạt chuẩn NTM còn thấp.

Phấn đấu có 60 - 70 xã đạt chuẩn NTM

Mục tiêu của Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020 là có 2 huyện đạt chuẩn NTM; số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2020 từ 60-70 xã.  Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân theo chuẩn NTM; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Bài học kinh nghiệm được tỉnh rút ra là, XDNTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn XDNTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu để ­dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng việc tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình; phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò hết sức quan trọng. Phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án khác vì mục tiêu phát triển nông thôn, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; lồng ghép có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân. Phát triển sản xuất là nội dung có tính chất cốt lõi, quyết định tính bền vững đối với chương trình.

Ghi nhận những thành tích của các tập thể và cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM” giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 9 xã và 5 cá nhân; tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho huyện Nghĩa Hành, đơn vị dẫn đầu thực hiện chương trình XDNTM. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng tặng Bằng khen cho 37 tập thể và 45 cá nhân đã có thành tích tham gia tích cực phong trào XDNTM giai đoạn 2011-2015.

Hải Yến

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top